- Trong chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân từ ngày 25-28/6.
Với chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của nền kinh tế toàn cầu”, Hội nghị WEF Thiên Tân (Davos mùa hè) năm 2023 do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là một trong những sự kiện kinh tế có quy mô hàng đầu thế giới, quy tụ khoảng 1.400 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, với sự tham gia của các lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế uy tín.
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Hội nghị đã tập trung đánh giá, trao đổi, tìm ra các định hướng, giải pháp, đặc biệt phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp, nhằm duy trì đà tăng trưởng, ứng phó với các các “cơn gió ngược” tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với Thủ tướng Chính phủ các nước New Zealand, Mông Cổ, Barbados là những khách mời chính tại Hội nghị năm nay. Theo WEF, đây là đại diện những nền kinh tế mới nổi, có đóng góp ngày càng quan trọng cho kinh tế khu vực và toàn cầu, đang tiên phong trong một số lĩnh vực then chốt để tạo ra các động lực mới cho phát triển.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính được mời tham dự hội nghị này cho thấy sự coi trọng của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có lịch trình làm việc dày đặc trong gần 24 tiếng tại Thiên Tân, gồm tham dự và phát biểu tại nhiều phiên họp quan trọng, có các cuộc trao đổi thực chất, hiệu quả, cởi mở với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn hàng đầu thế giới. Nổi bật là các cuộc gặp với Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ các nước New Zealand, Barbados, Mông Cổ, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF về chủ đề “Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”.
Sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị WEF Thiên Tân mang nhiều ý nghĩa và đạt nhiều kết quả quan trọng:
Thủ tướng đã chia sẻ nhiều quan điểm, cách tiếp cận, những định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực, kịp thời, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng nêu rõ 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Đó là: (i) suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; (ii) hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; (iii) cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; (iv) các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; (v) các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; (vi) biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Để đương đầu với các “cơn gió ngược”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cách tiếp cận và sáu định hướng quan trọng. Về cách tiếp cận, Thủ tướng cho rằng đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.
Về các định hướng, thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là mục tiêu, là chủ thể, vừa là trung tâm, là nguồn lực, là động lực cho phát triển.
Thứ hai, cần tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm. Các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Thứ ba, có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực.
Thứ tư, không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trợ sự phát triển của toàn cầu.
Thứ năm, sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác công – tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sáu “cơn gió ngược”, cũng là sáu nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm kinh tế toàn cầu và sáu định hướng giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra đã được lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hết sức chia sẻ. Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính về ba yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế là bảo đảm hòa bình, ổn định, đoàn kết, hợp tác quốc tế, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đặc biệt là khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và phát huy tiềm năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá cao và trở thành định hướng thống nhất cao tại Hội nghị WEF năm nay.
Cùng với đó, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa Việt Nam và WEF.
Việc hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026, tập trung vào những lĩnh vực khả thi như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số… đã tạo nền tảng để tăng cường quan hệ hai bên trong giai đoạn mới. Với kết quả quan trọng này, WEF sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách và nâng cao năng lực thích ứng trước các xu thế phát triển mới, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong những vấn đề có lợi ích thiết thực như nông nghiệp thông minh, phát triển các cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không, thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam…
Sự tham gia lần đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thường niên mùa hè của WEF đã tạo dấu ấn tốt đẹp với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về vai trò, vị thế của Việt Nam, tiềm năng và triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam. Những đóng góp thiết thực của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ Việt Nam – WEF, tăng cường hơn nữa việc thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Những thông điệp gửi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu và Trung Quốc
Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị WFF Thiên Tân, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và các tập đoàn lớn của Trung Quốc, cũng như việc Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc với sự tham gia rất đông đảo của các doanh nghiệp Trung Quốc, đã tiếp tục truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu những thông điệp quan trọng.
Đây là những cơ hội có giá trị để các doanh nghiệp nước ngoài hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, qua đó tăng cường niềm tin và đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng đã giới thiệu rất rõ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về những yếu tố nền tảng phát triển, những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, những mục tiêu và định hướng phát triển của Việt Nam, những giải pháp trọng tâm thời gian tới để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư, giảm chi phí, nâng chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh định hướng của Việt Nam trong thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Về ưu tiên, Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; các dự án thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững.
Tại các cuộc trao đổi, Việt Nam luôn được giới thiệu là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, năng động, đổi mới với quy mô và tiềm năng ngày càng lớn mạnh. Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá cao thành tựu phục hồi và triển vọng kinh tế Việt Nam, nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.
Nhiều doanh nghiệp ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao, có nhiều chính sách theo hướng gỡ khó, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Với các chính sách, biện pháp quyết liệt của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài.