Đại biểu dồn dập chất vấn về trình độ lao động thấp, Bộ trưởng nói “không đồng tình”

0
0

 - “Gần đây một số người nói là năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước nhỏ bên cạnh chúng ta, thấp hơn Campuchia, tôi không đồng tình” – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói khi các đại biểu dồn dập chất vấn về chất lượng lao động thấp…

Trong phiên chất vấn ngày 6/6, nhiều Đại biểu đã cùng lên tiếng chất vấn người đứng đầu Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội 2 nhiệm kỳ, về vấn đề nguồn nhân lực chất lượng thấp.

Theo đó, ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu rõ: Chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt đến 50%. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN.

“Tôi xin hỏi Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên và đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực của nước ta mới tiến lên tiệm cận với các nước trong khu vực.?” – ĐB tỉnh Bắc Ninh đặt câu hỏi.

Cùng mối quan tâm này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, lao động đã qua đào tạo là yếu tố quan trọng tạo ra năng suất lao động và tiêu chí đánh giá công nhận trình độ hiện nay chủ yếu là trên văn bằng chứng chỉ. Do vậy, chỉ số lao động qua đào tạo theo tỷ lệ phần trăm của nước ta chưa cao.

“Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bộ phận lao động chưa qua đào tạo ở trường lớp nhưng vẫn là những người tạo ra năng suất lao động. Họ có những kỹ năng, kinh nghiệm làm việc có thể là do doanh nghiệp tự đào tạo hoặc là quá trình tự học thoại của họ, chỉ là hiện tại còn thiếu các công cụ để đánh giá công nhận họ. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và có cần thiết xây dựng công cụ để đánh giá công nhận trình độ của bộ phận lao động này không? Nếu có thì xây dựng như thế nào?” – ĐB tỉnh Kon Tum nói.

Nhấn mạnh Người Việt Nam rất thông minh và chịu khó, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đặt câu hỏi: “làm thế nào để năng suất lao động của người Việt Nam phát triển và thoát khỏi vùng trũng khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới?”

Trả lời các ĐB về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, năng suất lao động Việt Nam thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng “theo tôi có lẽ phụ thuộc 2 vấn đề lớn, đó là yếu tố vốn công nghệ và kỹ năng và trình độ của người lao động.”

“Trong 2 vấn đề này, người ta đánh giá vấn đề kỹ năng, trình độ của người lao động là một khâu quan trọng.” – ông Đào Ngọc Dung nói.

“Thời gian vừa qua, chúng ta thấp nhưng tôi xin báo cáo với đại biểu là tôi cũng không đồng tình, vì gần đây một số người nói là năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước nhỏ bên cạnh chúng ta. Tôi không đồng tình, thấp hơn so với năng suất lao động của người dân Campuchia, tôi cho rằng không phải, không hoàn toàn thế.” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: "Tôi không đồng tình, thấp hơn so với năng suất lao động của người dân Campuchia, tôi cho rằng không phải, không hoàn toàn thế."

Theo ông Đào Ngọc Dung, năng suất lao động Việt Nam có nhiều yếu tố để thấp, thứ nhất là lực lượng lao động đang phân bố ở khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thấp.

Thứ hai là lao động Việt Nam hiện nay quy mô rất lớn, cũng một công việc đó đáng lẽ 1 người làm nhưng san sẻ có thể 2, 3, 4 người làm, do đó tỷ lệ thất nghiệp không cao.

Nói về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu: Một là cơ cấu lại lực lượng lao động; Hai là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; Ba là hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.

Sau khi nghe Bộ trưởng nêu 2 nguyên nhân dẫn đến chất lượng lao động thấp, ĐB Bế Trung Anh (Trà Vinh) không đồng tình và cho rằng, năng suất lao động thấp còn do 1 nguyên nhân nữa rất lớn, đó là tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp.

“Thay vì có một việc chúng ta chịu trách nhiệm cá nhân là một mình quyết việc đó thì chúng ta sẽ tổ chức một cuộc họp và vì vậy năng suất lao động của chỉ bằng 1/10 của số lượng người đang tham gia cuộc họp đó. Cho nên, nếu chúng ta nhìn nhận nguyên nhân còn thiếu từ quy trình, thủ tục giải quyết công việc của chúng ta thì dẫn đến sẽ triệt tiêu ngay giải pháp phối hợp với các bộ, ngành khác để có một giải pháp tốt hơn trong chuyện nâng cao năng suất lao động.” – ĐB tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm.

Đề cập đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu thực tế ở nước ta có rất nhiều trường ĐH, số tốt nghiệp ĐH đang thất nghiệp rất cao và đặt câu hỏi thẳng: “Xin Bộ trưởng cho biết thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng cao quy định ở trình độ nào, có quy định ngành nghề, lĩnh vực cụ thể không? Và có phải chúng ta đang lãng phí nguồn lực này không hay do chưa xác định rõ nguồn nhân lực chất lượng cao để có hướng khuyến khích phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động hiện nay. Vì vấn đề này hiện vẫn đang tồn tại một cách xót xa, lãng phí ngoài xã hội. Vậy nguyên nhân do đâu người lao động phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình? Nhưng trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến đâu và Bộ GD&ĐT đến đâu trên cương vị quản lý nhà nước của mình, có phải do trùng lẫn khi giao nhiệm vụ mà dẫn đến tình trạng này hay không?”

Trước những “câu hỏi khó” của các Đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời rằng cần phải “tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của nguồn nhân lực.”

“Hiện nay năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam về nhân lực không cao. Năm 2019 đứng khoảng 120/180 quốc gia. Ở đây có mấy vấn đề lưu tâm là trong khi chuyển đổi xã hội sẽ dẫn đến việc tự động hóa cao. Vì vậy, khoảng 30% lực lượng lao động không thích ứng công nghệ mới, 40% sẽ phải chuyển đổi nghề nghiệp. Vì vậy chúng ta phải khắc phục mấy chuyện: Thứ nhất là ngoại ngữ. Thứ hai là kỹ năng nghề nghiệp. Thứ ba là trình độ đào tạo. Thứ tư là kỹ năng quản trị hệ thống.”

Trước 4 vấn đề mà Bộ trưởng cho là “người ta khuyến cáo đối với Việt Nam”, ông Đào Ngọc Dung đưa ra 5 giải pháp quan trọng thời gian tới.

“Từ tăng cường đào tạo, từ chuẩn bị kịch bản cho dân số già, đào tạo lại, đào tạo như thế nào, chăm lo lực lượng người cao tuổi như thế nào để vừa phát huy, vừa sử dụng nhưng tận dụng chất xám, kinh nghiệm, năng lực cũng như khả năng của người cao tuổi. Dân số già thời gian tới sẽ vượt tốc độ nhanh hơn, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng gắn với quy hoạch nguồn nhân lực về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phổ cập nghề cho thanh niên. Tất cả năm nhóm giải pháp này chúng tôi xin nêu gọn là như vậy.” – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.