- Đại biểu Quốc hội (ĐB) tỉnh Hưng Yên đề nghị, trong Luật Đất đai (sửa đổi), cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế để chống tình trạng đầu cơ, gây cản trở việc tích tụ ruộng đất, tập trung sản xuất kinh doanh…
Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết, tại khoản 5 Điều 46 về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã quy định theo hướng mở rộng hơn so với Luật Đất đai hiện hành về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Theo ĐB tỉnh Hưng Yên, việc mở rộng đối tượng như trong dự thảo là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có những quy định mang tính mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và cân nhắc về quyết định điều kiện đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận.
ĐB Nguyễn Đại Thắng |
Theo ĐB Nguyễn Đại Thắng, tại khoản 5 Điều 46 dự thảo luật chỉ cần quy định “Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, phát huy hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan", còn việc đầu tư sản xuất, nhận chuyển nhượng như thế nào là việc của tổ chức và cá nhân.
“Khi tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất chắc chắn đã phải có phương án sản xuất cụ thể để phát huy hiệu quả cao nhất từ đất. Hơn nữa, hoạt động đầu tư sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đều dưới sự quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp có thẩm quyền. Nếu việc sử dụng đất nông nghiệp không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đã có các cơ chế của pháp luật để xử lý theo quy định” - ĐB Nguyễn Đại Thắng nêu ý kiến.
Cũng góp ý về quy định mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, cá nhân nhận chuyển quyền đất nông nghiệp mà không trực tiếp sản xuất, theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), nếu cá nhân nhận chuyển quyền mà đầu cơ, cản trở việc tích tụ ruộng đất, tập trung sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất thật phải thỏa thuận với các cá nhân không sản xuất mà đầu cơ thì sẽ rất khó khăn về giá cả, có thể không thỏa thuận được, gây khó cho việc tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp lớn.
Do đó, ĐB đề nghị cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế. Đối với trường hợp nhận thừa kế, người cùng huyết thống tặng, cho thì chuyển nhượng là bình thường.