- Ngày 27/6, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức VVOB tổ chức Hội thảo bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT); các chuyên gia, nhà giáo dục, giảng viên đến từ các tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; đại diện các Sở GDĐT, cán bộ quản lý và giáo viên đến từ 25 tỉnh, thành phố.
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh phát biểu tại Hội thảo |
Trong những năm gần đây, Bộ GDĐT đã thúc đẩy, phát triển chuyên môn cho các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người đặt ra nhu cầu về cách tiếp cận tổng hợp với mục đích điều chỉnh các chính sách đối với việc triển khai thực tế đối với các chương trình phát triển chuyên môn. Cách tiếp cận này nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa khung chính sách và thực hành hiệu quả trong lớp học, phát triển thế mạnh của hai hình thức phát triển chuyên môn trực tuyến và trực tiếp truyền thống.
Trước những thách thức, bối cảnh chuyển đổi giáo dục, hội thảo tạo cơ hội cho các nhà giáo dục, nhà chính sách, giảng viên, giáo viên tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên môn, chia sẻ cách nhìn và thảo luận với tương quan giữa khái niệm khung chính sách và triển khai thực tế. Thông qua đó, các đại biểu tham gia có thể giới thiệu các phương pháp bồi dưỡng chuyên môn sáng tạo, đưa ra các chiến lược và các bài học kinh nghiệm để tăng cường chuyên môn, sáng kiến tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Chất lượng của ngành giáo dục phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ giáo viên. Phát triển chuyên môn chính là công cụ, chìa khóa để có thể phát triển được kỹ năng, kiến thức của giáo viên đáp ứng được nhu cầu của thời đại.
Xác định phát triển chuyên môn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt ở bất kỳ thời điểm nào vì vậy, việc bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên luôn được quan tâm, ưu tiên hàng đầu từ các văn bản, định hướng chính sách đến kinh phí tổ chức, hoạt động.
GS Lê Anh Vinh nhận định: Phát triển chuyên môn không phải là một quá trình bồi dưỡng đơn giản, đó là quá trình học tập suốt đời. Mặc dù đã được quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên nhưng kết quả phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên vẫn gặp nhiều hạn chế, khó khăn để triển khai thiết thực, hiệu quả. Do đó, hội thảo là nơi các chuyên gia, nhà giáo dục, đội ngũ giáo viên chia sẻ những kinh nghiệm, học hỏi những mô hình về phát triển chuyên môn của giáo viên tại Việt Nam.
Cam kết đồng hành với ngành giáo dục Việt Nam trong việc bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giáo dục để nâng cao chuyên môn, vai trò của giảng viên, giáo viên, Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB Việt Nam Karolina Rutkowska chia sẻ: Đổi mới giáo dục là giá trị cốt lõi trong tất cả các hoạt động của VVOB. Trong bối cảnh phát triển của xã hội, chuyển đổi giáo dục đòi hỏi nhiều hơn ở năng lực của đội ngũ; do đó, việc tăng cường, bồi dưỡng và triển khai các giải pháp để phát triển chuyên môn của cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo là điều quan trọng và cần thiết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà giáo dục, các giảng viên, giáo viên đã trao đổi, nêu đề xuất, kiến nghị cùng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong bồi dưỡng chuyên môn trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục qua 4 phiên làm việc của hội thảo gồm: Khám phá các phương pháp tiếp cận kết hợp trong bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Thảo luận về chính sách, quan điểm về bổi dưỡng chuyên môn thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam; Tăng cường thực hiện chương trình giảng dạy, phát triển tài liệu chuyên môn, bài học thực tiễn trong bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp; Huy động sức mạnh tập thể trong bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp.
PV