- Chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk liên tục ghi nhận 9 ca bệnh bị ngộ độc do ăn phải nấm độc, nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ngộ độc xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của nhiều người .
Trong quá trình làm vườn, ông Nguyễn Vĩnh Linh ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk đã hái được một loại nấm lạ, mọc từ xác ấu trùng ve sầu có hình thù giống với đông trùng hạ thảo. Nghĩ rằng đây là loại dược liệu quý, ông Linh đã mang về chế biến cho người thân cùng ăn khiến 3 người trong gia đình phải nhập viện .
Ông Nguyễn Vĩnh Linh - Xã Cư KBang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, kể:“Nghe người ta đi hái nấm trong rừng nói nấm này giống đông trùng hạ thảo từ xác con sâu mà ra, con này chắc cũng vậy nên mình ngắt về ăn thử không biết nó là độc. Vài tiếng đồng hồ sau chóng mặt buồn nôn”.
Vừa qua, trong số 2 chùm bệnh gồm 6 bệnh nhân cư trú tại xã Cư KBang được bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận trong tình trạng lơ mơ, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được, thuộc mức độ vừa và nặng. Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc do các bệnh nhân đều nhầm lẫn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu là thức ăn bổ dưỡng "đông trùng hạ thảo"
Ths.BS Trịnh Hồng Nhựt - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nói:“Thân cây nấm nhưng dinh dưỡng hút từ nhộng của con ve sầu và nó phát triển lên. Nếu bào tử nấm là lành tính thì nấm phát triển lên lành tính và đó là chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Nhưng nếu bào tử đó là nấm độc thì nó sẽ phát triển nên cây nấm độc, nếu như ăn nó sẽ thành ngộ độc”.
Ảnh minh họa |
Ngày 6/6, thông tin từ Bệnh viện Bà Rịa cho biết đơn vị đang điều trị cho một trường hợp ngộ độc do ăn phải nấm độc.
Nạn nhân đang được điều trị và theo dõi sức khỏe tại Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện.
Nạn nhân là anh H.V.Q, 39 tuổi, ngụ xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc. Anh Q cho biết chiều 3/6, anh có hái nấm trong vườn của nhà hàng xóm và ăn sống ngay sau đó.
Vài tiếng sau, anh cảm thấy choáng váng, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tay chân run rẩy. Anh nằm ở nhà nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe.
Đến sáng 4/6, do tình trạng không thuyên giảm, người nhà đã đưa anh vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Theo bác sỹ Khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Bà Rịa, may mắn là anh Q chỉ ăn một lượng ít nấm mọc từ xác ve sầu nên mức độ ngộ độc không nặng. Nhờ được hỗ trợ dinh dưỡng và điều trị triệu chứng, sức khỏe của anh đã tạm ổn. Tuy nhiên, tay chân vẫn còn run rẩy.
Trước đó, vào ngày 29/5 vừa qua, Bệnh viện Bà Rịa đã cấp cứu 4 trường hợp ngụ tại huyện Long Điền ngộ độc do ăn phải nấm lạ. Khi vào viện, cả bốn người này bị đau bụng, nôn ói, liên tục đi ngoài. Sau đó, hai trường hợp nặng đã chuyển lên bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu, điều trị.
Một trong số bốn nạn nhân bị ngộ độc cho biết họ đã ăn một loại nấm được hái trên núi. Sau khi ăn được vài phút, tất cả đều bị mệt mỏi, đau bụng dữ dội và đi ngoài liên tục.
Bác sỹ Cao Khánh Linh, Khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Bà Rịa, khuyến cáo hiện nay đã bắt đầu vào mùa mưa nên xuất hiện nhiều loại nấm mọc khắp nơi.
Người dân không nên tự ý ăn các loại nấm mà bản thân không phân biệt được là nấm độc hay nấm có thể ăn được. Sau khi ăn nấm nếu có cảm giác đau bụng, nôn ói, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.