- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Cùng cơ chế, cùng thể chế, nhiều nơi vẫn rất quyết tâm làm tốt, năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nếu cần thiết báo cáo với Quốc hội để ban hành nghị quyết thí điểm nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm năng động, sáng tạo...
Ngày 31/5, giải trình trước Quốc hội các vấn đề đại biểu nêu liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương…
Theo bà Trà, tình trạng này diễn ra ở một bộ phận công chức trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhận định, tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn hiện nay.
Phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng này, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho rằng, một phần do trình độ, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức; sự nêu gương của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được phát huy nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn như hiện nay.
Bà Trà cũng chỉ ra: Việc thể chế, chính sách về quản lý kinh tế xã hội có mặt còn bất cập, chồng chéo hoặc có những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn chậm được sửa đổi, bổ sung; quy chế và cơ chế phối hợp giữa các bộ cũng như với các địa phương cũng có những mặt chưa kịp thời, chưa đồng bộ, chưa thống nhất, mặc dù thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều thời gian xây dựng thể chế nhưng còn rất nhiều khó khăn.
Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, kỷ cương, kỷ luật hiện nay đang được siết chặt lại, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh, hàng loạt cán bộ, công chức bị kỷ luật bị khởi tố, bị truy tố do sai phạm nghiêm trọng cũng đã dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
"Nhưng dù bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần phải thống nhất thực trạng này vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, cần nghiêm khắc phê phán triệt tiêu." - Bà Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: Thời quan qua, nhiều bộ, ngành, các địa phương nỗ lực, tích cực và năng động, sáng tạo, nên kết quả trên một số lĩnh vực của bộ, của địa phương rất tốt, như lĩnh vực đầu tư, tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp của một số địa phương phát triển tốt... Điều này cho thấy, cùng cơ chế, cùng thể chế, nhiều nơi vẫn rất quyết tâm làm tốt, năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không thể đổ lỗi tất cả do thể chế và cơ chế.
Phải xóa bỏ nhận thức "không làm thì không sao"
Về các giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu một số nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức. Từng cơ quan, đơn vị chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ, chấn chỉnh ngay, quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 27, Chỉ thị số 27, nhất là Công điện số 280 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước và xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.
“Chúng ta phải thay đổi và xóa bỏ về nhận thức của một số cán bộ, công chức hiện nay có tư tưởng không làm thì không sao. Đây là dấu hiệu của một loại tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng sự phát triển”; đồng thời khơi dậy lòng tự trọng bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Nhóm nhiệm vụ tiếp theo được Bộ trưởng nêu lên là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Bên cạnh đó, tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung. Hiện, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, lấy ý kiến chuyên, gia, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp nhưng do vướng về mặt pháp lý, thẩm quyền nên Bộ đã báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp thẩm quyền; nếu cần thiết báo cáo với Quốc hội để ban hành nghị quyết thí điểm nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm năng động, sáng tạo.
Bộ Nội vụ cũng tiến hành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đổi mới công vụ, công chức; kịp thời biểu dương cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm cán bộ, công chức không làm tròn trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ; kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu. Sớm tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương, đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ, ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo dẫn dắt thì ở đó thành công và ở đó kỷ cương, kỷ luật công vụ rất tốt.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ, trong đó phát huy cao độ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đề nghị các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm sai phạm có tính chất mức độ động cơ nếu không có vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì khoan dung, khoan hồng nhân văn hơn nữa nhằm tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.