- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying mới đây đã lên tiếng khẳng định rằng các nước phát triển G7 sẽ không thể lừa thế giới tin rằng Bắc Kinh đang phá hoại sự ổn định toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying |
Trong một loạt bài đăng trên Twitter, phát ngôn viên Hua đã công kích mạnh mẽ lập trường của G7, viết rằng: “Một số nước thành viên gọi Trung Quốc là 'mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu'. Họ đang nói nghiêm túc ư?"
Rõ ràng, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang đề cập đến phát biểu của Thủ tướng Anh Rishi Sunak - người đã tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, hồi cuối tuần vừa rồi rằng “Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu trong thời đại của chúng ta”. Ông này kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Thủ tướng Sunak còn nói thêm rằng Vương quốc Anh và G7 đang thực hiện các bước đi nhằm ngăn Bắc Kinh sử dụng “sự ép buộc về kinh tế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của các nước khác”.
“Nếu Trung Quốc là một mối đe dọa, vậy thì một số nước thành viên G7 – những nước gây chiến tranh ở các quốc gia có chủ quyền, lật đổ các chính phủ hợp pháp ở nước ngoài, rút khỏi các hiệp ước đa phương và ép buộc các quốc gia khác cắt đứt chuỗi cung ứng, là gì?” phát ngôn viên Hua gay gắt đặt câu hỏi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh vị trí của Trung Quốc với tư cách là “đầu tàu số 1 của nền kinh tế toàn cầu” và rằng Bắc Kinh đang đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn tất cả các thành viên G7 cộng lại đồng thời là nhà tài trợ lớn thứ hai cho quỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
"Thế giới thực sẽ không bị tẩy não và bị đánh lừa,” bà Hua nói.
Những phát biểu chỉ trích của phát ngôn viên Hua nhằm vào Thủ tướng Anh Sunak dường như cứng rắn và gay gắt hơn nhiều so với những ngôn từ được đưa ra trong thông cáo chung của G7 khi nêu rõ những thách thức do Bắc Kinh đặt ra. Đặc biệt, các thành viên của nhóm G7 vẫn nhấn mạnh rằng họ “sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc”, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi không tách rời hoặc hướng nội” khi nói đến quan hệ kinh tế với gã khổng lồ châu Á.
Tuy nhiên, G7 nhấn mạnh sự cần thiết của cái mà họ gọi là “giảm rủi ro và đa dạng hóa” cũng như giảm “sự phụ thuộc quá mức trong chuỗi cung ứng quan trọng của chúng ta”. Nhóm này cũng chỉ trích Bắc Kinh về “các chính sách và thông lệ phi thị trường làm méo mó nền kinh tế toàn cầu”, đồng thời tuyên bố sẽ xây dựng khả năng chống lại cái mà họ gọi là sự dọa dẫm về kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bị thuyết phục trước thông cáo của G7, phản bác lại rằng “các biện pháp trừng phạt đơn phương quy mô lớn và các hành động ‘tách rời’… mới khiến Mỹ trở thành kẻ dọa dẫm thực sự”, Bắc Kinh đồng thời kêu gọi G7 không trở thành “đồng phạm” của Washington trong vấn đề này.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra hồi cuối tuần vừa rồi ở Nhật Bản là nơi chứng kiến 7 quốc gia phát triển đưa ra những lập trường chung nhằm chống lại Nga và Trung Quốc. Diễn biến này đã khiến cả Moscow và Bắc Kinh tức giận, lên tiếng phản bác.