- Tại hội nghị tổng kết công tác giám định tư pháp theo vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự, đại diện Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc về công tác này như: quy định về tài chính chưa rõ ràng, thiếu hướng dẫn pháp luật cụ thể,...
Ngày 22/5/2023, tại Cần Thơ, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giám định tư pháp theo vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế giai đoạn 2011-2022.
Tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn 2011 đến nay, theo trưng cầu, yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã tiếp nhận 20 quyết định trưng cầu giám định và 18 yêu cầu định giá tài sản.
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị |
Đến nay, các Hội đồng đã hoàn thành, ban hành 35 kết luận và hiện nay còn 3 Hội đồng đang tiếp tục triển khai nhiệm vụ và sớm có kết luận gửi cơ quan điều tra.
Bên cạnh những thành tích đạt được trong quá trình hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường - Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết: "Nội dung định giá chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính. Qua nghiên cứu, các thành viên của Hội đồng nhận thấy các quy định của Bộ Tài chính về định giá chưa rõ ràng và cụ thể dẫn đến việc Hội đồng gặp khó khăn trong việc thống nhất nguyên tắc cũng như phương pháp định giá:.
Theo danh mục của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong một số yêu cầu định giá có nhiều tài sản hoặc có tài sản không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế như một số tài sản cần định giá theo Quyết định số 4780/QĐ-BYT ngày 18/11/2020 (Máy phun đa năng công suất lớn đặt trên xe ô tô, máy phun phòng dịch ULV đeo vai cấu hình 1, máy phun phòng dịch ULV đeo vai cấu hình 2...). Vì vậy, việc thu thập thông tin và yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo, cung cấp thông tin gặp khó khăn.
Theo đó, do các quy định của pháp luật về giám định và định giá còn chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa rõ ràng, còn gây ra sự hiểu không thống nhất, cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời, quy trình giám định được thực hiện theo Luật giám định tư pháp và văn bản triển khai thực hiện; trình tự, thủ tục định giá tài sản thực hiện theo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 97/2019/NĐ-CP, nhưng đây chỉ là những quy định chung, chưa có quy trình, quy chuẩn giám định trong các lĩnh vực cụ thể; chưa có nguyên tắc, tiêu chí chọn mẫu định giá tài sản, nhất là đối với những tài sản đặc thù thuộc ngành y tế quản lý như là thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc xác định các yếu tố trong từng phương pháp định giá và lựa chọn doanh nghiệp để tính toán các chỉ số chi phí để làm cơ sở cho việc kết luận định giá. Do đó một số trường hợp các thành viên Hội đồng không thống nhất được hoặc mất nhiều thời gian để thống nhất phương pháp giám định, định giá.
Mặc dù Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn Luật đã quy định về trách nhiệm giám định tư pháp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về công tác giám định là Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức, trình tự tiến hành, chưa hướng dẫn, phổ biến, tập huấn cụ thể cho các bộ, ngành nên việc triển khai thực hiện của các Bộ, cơ quan ngang bộ gặp nhiều lúng túng, khó khăn.
Các đề xuất của Bộ Y tế:
Để việc giám định và định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuận lợi hơn, Bộ Y tế cũng đã có những đề xuất tới các Bộ, Ban, ngành liên quan.
Bộ Y tế đề xuất tới Bộ Tài chính về việc chủ trì tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền thành lập Trung tâm quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp/định giá tài sản. Hoặc giao công tác định giá tài sản để Bộ Tài chính triển khai thực hiện; các vụ việc liên quan đến công tác đấu thầu giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư để triển khai thực hiện.
Phối hợp với Bộ Y tế cử cán bộ tham gia các Hội đồng định giá tài sản/giám định tư pháp khi có đề nghị của Bộ Y tế. Xây dựng cơ chế, chính sách về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức khi tham gia làm thành viên Hội đồng định giá tài sản/giám định tư pháp. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn trong việc xác định tiêu chí, nguyên tắc cụ thể trong việc chọn mẫu, chọn phương pháp trong định giá tài sản.
Đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung biên chế hằng năm cho Bộ Y tế do hiện nay có tình trạng quá tải khi thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là trong thời gian gần đây phát sinh yêu cầu định giá tài sản/giám định tư pháp từ Cơ quan điều tra, Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đề xuất Bộ Công an căn cứ số lượng, chủng loại tài sản cụ thể để khi có yêu cầu về mặt thời gian kết luận định giá tài sản cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như năng lực của Bộ Y tế. Có văn bản chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc phân cấp trong định giá tài sản hoặc trưng cầu giám định tư pháp tránh dồn việc về cơ quan Trung ương cụ thể: khi thực hiện việc yêu cầu định giá tài sản hoặc trưng cầu giám định tư pháp theo vụ việc tại các địa phương thì gửi các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành giải quyết.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc giám định tư pháp/định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Công an cấp tỉnh.
PV