- Bộ Nội vụ cho biết, có nhiều trường hợp xin “được” không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước…
Chính sách tinh giản biên chế được áp dụng từ ngày 10/01/2015 đến hết ngày 31/12/2030. Theo đánh giá Bộ Nội vụ, qua 8 năm triển khai thực hiện, chính sách này có những mặt được nhưng cũng còn nhiều hạn chế.
Về mặt được, Bộ Nội vụ đánh giá: Chính sách tạo cơ sở pháp lý để áp dụng chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng để đưa ra khỏi đội ngũ những người không đáp ứng được yêu cầu cầu công việc nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Chính sách về hưu trước tuổi đã tạo điều kiện cho những người thuộc đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, ngoài ra còn được hưởng một khoản trợ cấp theo số năm nghỉ trước tuổi và theo số năm đóng bảo hiểm xã hội đã tạo điều kiện về thu nhập cho người về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế.
Chính sách thôi việc ngay của đối tượng tinh giản biên chế được hưởng mức trợ cấp cao hơn so với đối tượng tự nguyện thôi việc theo Nghị định số 46/2010/NĐ-CP và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng nêu rõ hàng loạt những tồn tại, bất cập trong chính sách và thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Ảnh minh họa |
Theo đó, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người tinh (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó, có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả làm việc không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện tinh giản biên chế. Thực trạng như vậy vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Cũng theo đánh giá của Bộ Nội vụ, đối tượng tinh giản biên chế còn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa mở rộng đến đối tượng muốn nghỉ tinh giản biên chế nhưng chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu về đối tượng quy định tại các Nghị định nêu trên nên họ vẫn đi làm nhưng với hiệu quả công việc không cao.
Đáng chú ý, công tác rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, chưa thực sự chặt chẽ, khách quan, còn nể nang; do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm hiện đảm nhiệm chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, với đối tượng còn dưới 2 năm công tác thì khi tinh giản biên chế không được hưởng một khoản trợ cấp nào ngoài chế độ hưu trí là không phù hợp, vì những đối tượng này sắp đến tuổi nghỉ hưu nên tâm lý, sức khỏe và mong muốn cống hiến trong thời gian còn lại không cao, nếu không có trợ cấp thì họ tiếp tục làm việc chờ đúng tuổi nghỉ hưu.
Một hạn chế khác cũng rất đáng quan tâm đã được Bộ Nội vụ tổng hợp, đó là trợ cấp hưởng chính sách tinh giản biên chế còn thấp nên chưa đủ hấp dẫn để họ tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên, Bộ Nội vụ cho rằng, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn là “khâu yếu”, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Do việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức; thậm chí có nhiều trường hợp còn xin “được” không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức chậm được đổi mới, chưa khuyến khích họ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc; Hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ; Một số bộ, ngành chưa quan tâm xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, ngành, lĩnh vực đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất cho các địa phương, vì vậy khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện;
Trong khi đó, quy định về các trường hợp tinh giản biên chế do ốm đau có xác nhận của cơ quan BHXH gặp nhiều khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân, vì số cán bộ, công chức, viên chức do bị ốm đau phải nghỉ điều trị bệnh nhiều nhưng phần lớn không chuyển qua cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau nên không được nghỉ việc do tinh giản biên chế.