- ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, tiền trực mỗi đêm chỉ 25 nghìn đồng, và ở các trạm y tế mỗi đêm chỉ 1 người trực nên họ phải rủ thêm người thân hoặc đồng nghiệp trực cùng, chia nhau tiền trực…
Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 29/5, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, mạng lưới y tế cơ sở hiện nay tuy được tổ chức đồng bộ, bao phủ rộng khắp đến tuyến xã, thậm chí các ấp, khu phố, nhưng hệ thống y tế cơ sở hiện nay chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu.
Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy hệ thống y tế cơ sở đã xảy ra tình trạng quá tải, mà nguyên nhân cũng chủ yếu do thiếu nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị, cơ sở vật chất và hiện nay nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ cơ hữu.
Nguyên nhân do có sự dịch chuyển đội ngũ bác sĩ sang khu vực y tế tư nhân và các đô thị lớn, cộng với chính sách tinh giản biên chế hiện nay cũng áp dụng với ngành y, đến tuổi nghỉ hưu… trong khi sinh viên mới ra trường rất ít chịu về công tác cơ sở; điều kiện để lực lượng tại chỗ hiện nay đi học để nâng cao trình độ ngày càng khó khăn ...
Theo ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi, với tình trạng trên, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì khoảng 10 đến 15 năm nữa các trạm y tế sẽ không có bác sĩ để làm việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi |
ĐB Yến Nhi nhấn mạnh, hiện nay chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động và điều kiện cũng như môi trường làm việc. Ngoài ra, ở cơ sở các trang thiết bị, phương tiện làm việc cũng chưa tốt, không có môi trường thuận lợi để cho đội ngũ này nâng cao được tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp của mình.
ĐB dẫn chứng: Một sinh viên đại học ngành y học 6 năm, với mức chi phí khá cao, có thể gần 200 triệu đồng một năm, nhưng khi ra trường đi làm thì nhận được mức lương khoảng trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
“Đặc biệt, ở các trạm y tế, biên chế trực mỗi đêm chỉ 1 người, mà thường những trường hợp vào đây cấp cứu ban đêm như đánh nhau, rồi tai nạn giao thông cũng rất phức tạp, cho nên các nhân viên y tế, nhất là các nữ nhân viên không dám trực một mình, có khi đi trực phải có mẹ hoặc chị, em hoặc con, hoặc chồng cũng phải đi theo, hoặc có khi nhờ một đồng nghiệp cùng trực rồi cùng nhau chia chế độ tiền trực (mỗi đêm chỉ 25 nghìn đồng, tiền ăn 15 nghìn đồng)” - ĐB tỉnh Bến Tre nói.
“Mỗi đêm với mức như thế thì phải nói rằng rất khiêm tốn so với công sức đội ngũ này bỏ ra. Đây cũng là phản ánh của các trạm y tế khi Đoàn giám sát của tỉnh đến khảo sát ở những đơn vị này đã tiếp nhận được. Với chế độ, chính sách như thế nên rất khó thu hút cũng như giữ chân người làm việc tại y tế cơ sở” - ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi nói thêm.
Phát biểu tại Nghị trường, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu rõ: Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Theo ĐB, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân trực tiếp là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân, còn nguyên nhân gián tiếp, theo ĐB, là cơ chế, chính sách và đầu tư của Nhà nước.
“Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng. Điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên lại tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó mà được cải thiện” - ĐB tỉnh Lâm Đồng nói.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng |
Theo ĐB, đến thời điểm hiện nay, có 11% số trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu tại trạm. Do đó, ngành y tế đã phải có giải pháp là cử bác sĩ của các đơn vị tuyến trên về hỗ trợ tăng cường và làm việc, nhiều xã, phường của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa nhiều khu chung cư mật độ dân số cao, có trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ trên một trạm y tế.
“Với số lượng cán bộ như vậy, chỉ thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe đảm bảo cho tối đa từ 13.000 đến 15.000 dân, trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể những lúc dịch bệnh xuất hiện có tính chất lây lan nhanh. Định mức này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề… trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng. Khi tham gia các hoạt động phòng, chống dịch được hưởng thêm kinh phí hỗ trợ khoảng 2 đến 3 triệu đồng một tháng” - ĐB Trịnh Thị Tú Anh nêu rõ.
Cũng dẫn chứng tiền trực tại trạm y tế xã quy định ca 24/24 giờ là 40 nghìn đồng, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ, lâu dài, nhất là chính sách để thu hút, sử dụng nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…
“Để phát huy tốt vai trò của y tế dự phòng ứng phó với mô hình dịch bệnh thay đổi, ngành y tế cần có những đáp ứng phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ. Cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống thông tin quản lý tại trạm y tế thì mới có thể đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân, cũng như là đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nhiều và đa dạng với nhiều chương trình, dự án y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng cần phải triển khai thực hiện từ cơ sở. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính và y tế, đẩy mạnh bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân, có hướng dẫn cụ thể về việc xác định ngân sách cho y tế dự phòng ở các địa phương căn cứ thực hiện theo Nghị quyết 20 và Nghị quyết 18 để đảm bảo nguồn lực thực hiện tốt các chương trình y tế dự phòng tại cơ sở” - ĐB tỉnh Tuyên Quang nêu ý kiến.