- Ngày 10/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với chất lượng giáo dục. Thứ trưởng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế chính sách, điều kiện thực hiện, công tác chuyên môn trước mắt và lâu dài trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, thực chất.
Tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, trong những năm qua, Bộ GDĐT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc chuẩn bị, bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đến nay, về cơ bản đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, một số bất cập, khó khăn, vướng mắc được nhận diện như tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên một số môn học đặc thù; công tác đào tạo và đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116; công tác xác định nhu cầu và tổ chức bồi dưỡng giáo viên…
Do đó, Cục trưởng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận, làm rõ thực trạng và giải pháp về: công tác tuyển sinh đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Những khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, nhất là tuyển dụng sinh viên khi ra trường và bồi hoàn chi phí đào tạo, cũng cần được nghiên cứu, thảo luận kỹ để Bộ GDĐT có phương án đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên, bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.
Hai phiên làm việc của hội thảo về công tác đào tạo và công tác bồi dưỡng giáo viên đã ghi nhận nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo đến từ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông và 63 Sở GDĐT.
Tham luận “Phát triển kĩ năng sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, cần đặc biệt chú trọng rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh phổ thông, tăng cường “kỹ năng nghề” thông qua luyện tập, kiến tập, thực tập. Công tác bồi dưỡng giáo viên cần phải được thực hiện thường xuyên theo tinh thần “bồi dưỡng tại công việc”.
Trong tham luận “Thực trạng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài lưu ý, thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường các môn đào tạo nghề và năng lực dạy học liên môn, hội nhập quốc tế; tăng cường thời lượng thực tế chuyên môn.
Báo cáo công tác mở ngành, giao chỉ tiêu, đào tạo giáo viên và triển khai Nghị định số 116 của Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ đề xuất, cần tăng cường rà soát, thống kê, báo cáo nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương; nghiên cứu đề xuất sửa đổi và tiếp tục triển khai Nghị định 116 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở đào tạo giáo viên;…
Nghị định 116 tạo cú hích trong đào tạo sư phạm nhưng còn vướng mắc
Tại hội thảo, các cơ sở đào tạo giáo viên trao đổi đã trao đổi về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Khẳng định Nghị định 116 đã tạo cú hích giúp nâng cao số lượng và chất lượng đầu vào sinh viên sư phạm, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ ra những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế thực hiện; chỉ tiêu tuyển sinh; cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu; nguồn kinh phí, cơ chế chi trả; cơ chế bồi hoàn; trách nhiệm của các bên liên quan.
Ông Hiền cũng nêu một số đề xuất liên quan đến phân tích tương quan giữa phương thức tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên; hoàn thiện kỳ thi độc lập đánh giá năng lực để xét tuyển chung của hệ thống sư phạm, đảm bảo chuẩn đào tạo khối ngành đào tạo giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh sư phạm, đáp ứng nhu cầu giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Từ thực tiễn triển khai, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh hai giải pháp: Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cải thiện cơ sở vật chất; Cải tiến chương trình đào tạo và cải tiến công tác tổ chức đào tạo. “Với những kinh nghiệm và động thái cụ thể; kết quả triển khai công tác đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018 khẳng định hướng đi của trường với các giải pháp đã nêu là khả thi và triển vọng”, ông Huỳnh Văn Sơn khẳng định.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nêu một số nội dung cần bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho đội ngũ giáo viên trên cơ sở phân tích sự khác biệt giữa chương trình đào tạo giáo viên theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018 và chương trình đào tạo giáo viên trước đó.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự trăn trở liên quan đến kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất của các trường đào tạo sư phạm, tầm quan trọng và đặc thù của giảng viên sư phạm, chuẩn đầu ra….
Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo các Sở GDĐT như Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Nội… đã chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp hữu hiệu và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Nhận thức sâu sắc về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá các ý kiến tham gia hội thảo của các thầy cô, các nhà chuyên môn, nhà quản lý và nhà khoa học đều sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, đúng và trúng.
Khẳng định tầm quan trọng của cả hai nội dung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, Thứ trưởng cho rằng hai công tác này gắn bó chặt chẽ và đều cần hướng tới chuẩn kiến thức và kỹ năng. Đây là trách nhiệm chung của các chủ thể bao gồm Bộ GDĐT, cơ sở đào tạo, cơ quan sử dụng giáo viên. Do đó, trước tiên, các chủ thể cần tiếp tục có nhận thức sâu sắc về hai công tác này, từ đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm từng khâu.
Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các giảng viên sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Giảng viên sư phạm phải am hiểu giáo dục phổ thông, am hiểu Chương trình GDPT 2018, đồng thời, cần có cơ chế chính sách riêng, đặc thù dành cho đội ngũ này.
Để phát huy hiệu quả của hội thảo, Thứ trưởng yêu cầu, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì tổng hợp những đề xuất kiến nghị của hội thảo theo từng nhóm vấn đề, giúp cho công tác quản lý, điều hành và tham mưu của Bộ GDĐT. Các đơn vị khác của Bộ theo chức năng nhiệm vụ cần tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra các công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, cần xác định rõ vai trò của giảng viên sư phạm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chú trọng thâm nhập thực tiễn để có căn cứ trong xây dựng chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, cần phát huy hiệu quả của các dự án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong thời gian qua.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học chủ động đề xuất với Bộ các cơ chế chính sách dài hạn để thống nhất trong quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đồng thời, chủ động phối hợp địa phương dự báo nguồn nhân lực cần đào tạo, bồi dưỡng.
Về phía địa phương, Sở GDĐT cần tiếp tục tham mưu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản, chỉ đạo của Bộ; kịp thời phản ánh những phát sinh, bất cập đến đơn vị có thẩm quyền của Bộ.