- Tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng....
Sáng 8/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người. Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng…Ngày càng có nhiều vụ mua bán người trong nước bị phát hiện gây bất an, lo lắng trong Nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên giải trình |
Mặt khác việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương trong năm 2023 cho thấy những hạn chế, vướng mắc nêu trên có nguyên nhân xuất phát từ một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không còn phù hợp; đồng thời cũng có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa thật sự hiệu quả, một số bộ ngành chưa thực sự trách nhiệm.
Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần có đánh giá chính xác thực trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước; thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan và có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ.
Trước đó, để phục vụ cho phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm giải trình chính là Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành, cơ quan hữu quan có báo cáo. Ủy ban Tư pháp cũng đã tổ chức 03 Đoàn khảo sát về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người tại 09 địa phương, chủ yếu tập trung vào các tỉnh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và miền Trung.
Tại phiên giải trình, đại diện lãnh đạo Bộ Công an đã có báo cáo nhanh về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; đại diện Ủy ban Tư pháp báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban. Các đại biểu cũng đã trực tiếp đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người, tình hình triển khai và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tình hình thực hiện các biện pháp phòng ngừa mua bán người; công tác phát hiện, xử lý tội phạm; công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người.