- Tiền lương bình quân của phi công Việt Nam hiện là 85 triệu đồng/tháng, bằng 59% so với phi công nước ngoài cùng làm việc cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Thậm chí có thời gian, tiền lương của phi công Việt Nam chỉ bằng 48% lương của phi công nước ngoài.
Tại dự thảo Tờ trình Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/12/2020 của Chính phủ thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ LĐTB&XH cho biết: Đối với phi công Việt Nam, trước khi thực hiện thí điểm tiền lương theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thì tiền lương của lực lượng lao động này đã rất bất cập, thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài cùng làm việc cho VNA. Tiền lương bình quân của phi công Việt Nam năm 2018 là 124 triệu đồng/người/tháng bằng 50% tiền lương của phi công nước ngoài (249,69 triệu đồng/người/tháng); năm 2019 là 135,4 triệu đồng/người/tháng bằng 48% tiền lương của phi công nước ngoài (281,68 triệu đồng/người/tháng) cùng làm việc cho VNA.
Mặc dù khi thực hiện thí điểm tiền lương theo quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, Chính phủ cho phép bổ sung phần chênh lệch giữa tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài để tính đơn giá tiền lương, với điều kiện lợi nhuận kế hoạch năm 2020 không thấp hơn lợi nhuận bình quân giai đoạn 2018 – 2019, nhưng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VNA chưa được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài vào đơn giá khoán vì VNA không đảm bảo về điều kiện lợi nhuận.
Theo báo cáo của VNA và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, quỹ tiền lương của VNA không đủ bù đắp tiền lương phi công Việt Nam, đang phải đổi mặt với tình trạng chảy máu nguồn lao động phi công Việt Nam. Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của VNA là 1.689 tỷ đồng; mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài (khoảng 145 triệu đồng/tháng) cùng làm việc tại VNA.
10 quốc gia trả lương phi công cao nhất thế giới
|
Trước thực trạng về tiền lương thấp và các hãng hàng không cạnh tranh gay gắt, thu hút lao động phi công, nhiều phi công Việt Nam đã rời bỏ VNA chuyển sang các hãng khác. Để giữ chân và tiến tới thu hút đội ngũ phi công góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA, Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP.
Dự thảo quy định: Đối với VNA, sau khi xác định quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành theo quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP để trả lương cho người lao động mà mức tiền lương của phi công là người Việt Nam thấp hơn mức tiền lương của phi công là người nước ngoài cùng làm việc cho VNA thì được bổ sung nguồn tiền lương trả thêm cho phi công là người Việt Nam.
Nguồn bổ sung tối đa được căn cứ vào mức độ chênh lệch giữa mức tiền lương (trước khi được bổ sung) của phi công là người Việt Nam (làm việc theo hợp đồng lao động với VNA) và mức tiền lương của phi công là người nước ngoài (do VNA thuê qua đối tác cung ứng nhân lực) cùng làm việc cho VNA, tính bình quân tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay, thời gian làm việc thực tế của phi công.
Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên năm 2020 tại 03 tập đoàn, tổng công ty sau: - Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; - Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP; - Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Việc quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng được thực hiện theo nguyên tắc: Chính sách tuyển dụng và sử dụng lao động, tiền lương, tiền thưởng của công ty do công ty quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; Tiền lương, tiền thưởng của người lao động, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên công ty gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty; Nhà nước quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua quy định giao nhiệm vụ trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty; đối với công ty cổ phần thì cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ quy định tại Nghị định này, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty để tham gia, biểu quyết tại cuộc họp của Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông. |