Hơn 300 tỉ đồng T.Ư dành cho Đồng Nai hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống (gọi tắt chuyển đổi nghề) cho người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành vẫn 'nằm im' trong kho bạc nhiều năm qua.
Trong khi đó, rất nhiều người dân rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhất là người lớn tuổi khi chưa biết làm gì để kiếm sống, hòa nhập với cuộc sống mới tại khu tái định cư sau khi nhường đất cho dự án sân bay Long Thành.
Khu tái định cư sân bay Long Thành |
306 tỉ đồng cứ "treo", dân phàn nàn nhà nước
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai (đơn vị chủ trì đề án chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân vùng sân bay Long Thành) phối hợp UBND H.Long Thành tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến các chính sách giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân thuộc dự án sân bay Long Thành. Buổi tuyên truyền diễn ra vào tối 7.4, ngay tại khu tái định cư sân bay Long Thành, thu hút khá đông người dân đến dự.
Buổi tuyên truyền diễn ra sau khi Sở LĐ-TB-XH bị lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai phê bình khá gay gắt tại cuộc họp về dự án sân bay Long Thành diễn ra trước đó. Cụ thể, tại cuộc họp ngày 29.3, ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã phê bình lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH không quan tâm công tác đào tạo nghề ngay từ đầu, không chủ động phối hợp địa phương, không xuống đến tận xã, huyện để phát phiếu điều tra, nắm bắt nhu cầu việc làm của người dân mà cứ bắt địa phương gửi báo cáo về Sở.
Tuổi chúng tôi bây giờ khó xin việc làm lắm. Ở chỗ cũ có thể làm rẫy, nuôi gà, nuôi heo. Còn bây giờ cứ ngồi chơi thôi chứ biết làm gì, đâu có việc gì đâu mà làm.
Ông Nguyễn Trần Thành (61 tuổi, người dân trong khu tái định cư sân bay Long Thành)
Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh đây là "lịch sử để lại", trách nhiệm từ lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH thời kỳ trước kéo dài đến bây giờ. Ông Đức cho rằng nhu cầu đào tạo nghề rất lớn, đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến nhóm người lớn tuổi. Ông Đức đặt câu hỏi: "Như đối tượng lao động trẻ tuổi thì có thể giới thiệu vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp được. Còn đối tượng 50-60 tuổi thì phải đào tạo cái gì?". Rồi ông Đức đề xuất hướng giải pháp: "Có thể đào tạo nấu ăn, làm cây kiểng, bonsai… Thiếu gì ngành nghề khi ra khu tái định cư sinh sống, nhưng công tác phối hợp chưa tốt. Đến giờ này 306 tỉ đồng cứ treo đó. Tiền thì có, nhu cầu có, mà làm không được, dân phàn nàn nhà nước không quan tâm công tác chuyển đổi nghề".
Ông Nguyễn Trần Thành cùng người bạn già đánh cờ giết thời gian vì không có gì để làm - Nguyễn Anh |
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai nêu ra nhiều "cái khó", khiến không thể triển khai đề án suôn sẻ, giải ngân nguồn tiền được. Như trường hợp người dân đăng ký học bằng lái xe B2, giá thị trường từ 11 - 15 triệu đồng, nhưng luật quy định chỉ hỗ trợ 3 triệu đồng nên người dân không mặn mà tham gia. Đặc biệt, cơ quan kiểm toán nhà nước cũng lưu ý việc thực hiện đề án này không được hỗ trợ 2 lần trong gói đền bù giá đất cho người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Cho nên khi thực hiện Sở phải rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng, dẫn đến mất rất nhiều thời gian, khó giải ngân...
An cư nhưng chưa lạc nghiệp
Trong khi Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai còn loay hoay với đề án chuyển đổi nghề, làm sao để giải ngân nguồn tiền hợp lệ thì người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành đang đối mặt với tình trạng không có việc làm.
Rời mảnh đất nhiều năm sinh sống để nhường đất làm sân bay, nhiều người dân chân lấm tay bùn một bước cất được nhà lầu, có gia đình còn sắm cả ô tô. Từ vùng quê hẻo lánh, thưa người, cách xa phố thị, giờ đây họ đang sống giữa khu đô thị hiện đại, đường nhựa thẳng tắp, đèn đường sáng choang, vỉa hè rộng rãi. Thế nhưng khi được hỏi đến, nhiều người vẫn nói "thích cuộc sống như trước đây hơn".
Chỉ tay về phía đại công trường sân bay đang tấp nập san lấp mặt bằng, ông Nguyễn Đức Hạnh (68 tuổi), nói: "Ở trong đó ra vườn là có cái ăn, không sợ đói, khỏe thì cầm cuốc làm, mệt thì nghỉ sang nhà hàng xóm tám chuyện. Còn ra đây việc làm thì không có, nhưng sáng mở mắt ra đã phải lo đủ thứ, từ tiền ăn đến tiền rác, tiền nước… Hàng xóm cũ được bố trí vị trí nào chả rõ, hàng xóm mới toàn người lạ, nhà nào biết nhà đó".
Ngôi chợ trong khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang xây dựng dang dở |
Dù nhà cửa được xây dựng san sát, nhìn từ trên xuống là một vùng đất rộng gần như lấp đầy bằng những căn biệt thự, nhà phố liền kề cao 2-3 tầng, nhưng khi đi vào bên trong không khí khá trầm lắng. Hầu hết mọi người đều ở trong nhà, cửa đóng then cài, chỉ có vài quán nước, tạp hóa và tiệm sửa xe mở cửa, không có không khí sôi động như những khu dân cư khác.
Anh Phạm Ngọc Huỳnh (43 tuổi), chủ một tiệm sửa xe máy trong khu tái định cư, cho biết gia đình anh may mắn bốc được lô góc 2 mặt tiền. "Do bố mẹ không có nhiều đất nên toàn bộ tiền bồi thường chỉ đủ xây nhà. Tôi tiếp tục công việc đã gắn bó nhiều năm nay, nhưng thu nhập giảm đáng kể so với nơi cũ, chưa biết trụ với nghề được bao lâu", anh Huỳnh tâm sự.
Cách đó không xa, chị Đặng Thị Sen (40 tuổi) mưu sinh với gánh cháo dinh dưỡng. Chị Sen nói bây giờ tuổi đã lớn, xin đi làm công nhân cũng khó được nhận, nếu không buôn bán thì không biết sống bằng cách nào. "Những người đứng tuổi ra khu tái định cư hầu như chỉ ngồi nhà nhìn ra đường, không có việc gì làm cả", chị Sen nói.
Đi thực tế, chúng tôi đã gặp những người đàn ông lớn tuổi ngồi đánh cờ giết thời gian trong khu tái định cư sân bay Long Thành. Khi chúng tôi hỏi chuyện, ông Nguyễn Trần Thành (61 tuổi), chia sẻ: "Tuổi chúng tôi bây giờ khó xin việc làm lắm. Ở chỗ cũ có thể làm rẫy, nuôi gà, nuôi heo. Còn bây giờ cứ ngồi chơi thôi chứ biết làm gì, đâu có việc gì đâu mà làm". Theo ông Thành, do quá nhàn rỗi, vài người đã tận dụng những khoảnh đất trống ở cạnh nhà để trồng rau, nuôi gà vừa cải thiện bữa ăn vừa để có thú vui tuổi già. Và ông cũng có nỗi trăn trở giống lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đó là mong sao chính quyền giải quyết được việc làm cho người dân khi ra khu tái định cư, nhất là những người lớn tuổi...
(Thanh niên)
https://thanhnien.vn/kho-xai-300-ti-dong-chuyen-doi-nghe-cho-nguoi-dan-vung-san-bay-long-thanh-185230503000209205.htm