- Đức hôm qua (13/5) đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 2,7 tỷ euro (3 tỷ USD) cho Kiev. Đây là khoản viện trợ vũ khí lớn nhất của Berlin dành cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hồi năm ngoái.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nói với các phóng viên rằng món quà này nhằm thể hiện "rằng Đức rất nghiêm túc trong việc hỗ trợ" cho Ukraine. “Đức sẽ cung cấp tất cả sự giúp đỡ có thể, miễn là còn cần thiết,” ông Pistorius tuyên bố.
Gói viện trợ quân sự mới bao gồm 30 xe tăng Leopard 1 A5, 20 xe bọc thép chở quân Marder, hơn 100 phương tiện chiến đấu, 18 khẩu lựu pháo tự hành, 200 máy bay không người lái do thám, 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM và đạn dược. Quân đội của Đức chưa được trang bị hệ thống IRIS-T.
Động thái của Berlin diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky dự kiến sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Đức kể từ khi chiến sự bắt đầu bùng lên vào tháng 2 năm ngoái. Đức được cho là muốn tạo ấn tượng tốt sau khi ban đầu miễn cưỡng tham gia cùng các thành viên NATO trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine vì lo ngại nước này sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Kiev.
Chuyến thăm của Tổng thống Zelensky diễn ra trong bối cảnh công chúng Đức ngày càng bất mãn với hiện trạng. Một cuộc thăm dò của YouGov được công bố hôm thứ Sáu (12/5) cho thấy hơn một nửa người Đức phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraine, trong khi 55% muốn Kiev và Moscow đàm phán một thỏa thuận hòa bình càng sớm càng tốt. Một số nhân vật nổi tiếng của Đức gần đây đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi chính phủ của ông ngừng gửi vũ khí tới Ukraine và thay vào đó thúc đẩy một lệnh ngừng bắn.
Trong khi Đức và các đồng minh NATO từ lâu đã cam kết hỗ trợ Ukraine “miễn là còn cần thiết”, thì Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận họ đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược để thể hiện sự hỗ trợ đó. Vào tháng 10, người ta tiết lộ rằng kho dự trữ đạn dược của Đức sẽ chỉ đủ dùng trong hai ngày chiến đấu, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 30 ngày cần thiết về mặt lý thuyết đối với các nước NATO, mặc dù Berlin không phải là trường hợp duy nhất cạn kiệt vũ khí, đạn dược.