- Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập đơn vị này. Buổi lễ được ITP tổ chức vào sáng 24/5.
Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện vai trò của trường đại học với hỗ trợ khởi nghiệp. Được định hướng phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, ITP hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm của Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam.
Từ 2003 đến nay, ITP đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tổ chức công và tư liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp - các nguồn lực cần thiết để nâng cao cơ hội thành công.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, trải qua 20 năm hoạt động, ITP đã hoàn thành tốt sứ mạng mà Đảng, Nhà nước và ĐHQG-HCM giao phó là kiến tạo một môi trường kết nối năng động và hiệu quả giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh ngay trong lòng khu đô thị ĐHQG-HCM. Từ đó, ITP đã góp phần phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông của đất nước.
"Đến nay, ITP đã đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cho 11.807 cán bộ quản lý của 16 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam. Giai đoạn này, mô hình và cách thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của ITP được đánh giá cao, nhiều tỉnh, thành ở phía Nam tham khảo, học tập” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu giao nhiệm vụ cho lãnh đạo ITP. |
Giao nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn tới, PGS.TS Vũ Hải Quân đã đề cập 4 định hướng chiến lược cho đơn vị này. Theo đó, ITP phải trở thành hạt nhân trong công tác chuyển đổi số của ĐHQG-HCM. Đây sẽ là đơn vị cung cấp các bài giảng, công cụ giảng dạy trực tuyến cũng như quản lý các khóa học trực tuyến trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM và đầu tư thành một trung tâm công nghệ thông tin tập trung.
Tiếp đến, ITP sẽ là hạt nhân trong trung tâm đổi mới sáng tạo của ĐHQG-HCM mang tầm quốc gia.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết: “Sắp tới, nghị quyết mới của TP.HCM sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chính sách này được áp dụng cho các đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố. Với mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia đặt tại TP.HCM, một mặt, chúng ta được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đổi mới sáng tạo, một mặt chúng ta được hưởng các chính sách đặc thù của TP.HCM. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội rất lớn cho ITP có thể thu hút các thầy cô giáo, sinh viên”.
Nhiệm vụ thứ ba gắn với sứ mệnh ban đầu của ITP là trở thành một khu công nghệ phần mềm. Ông Quân lưu ý ITP phải huy động được các nguồn lực để có thể xây dựng, mở rộng trở thành một địa điểm thực sự thu hút các doanh nghiệp nước ngoài lẫn trong nước đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển hay các trung tâm phần mềm tại đây.
PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) |
Theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, ITP được giao 3 nhiệm vụ chính trị cốt yếu là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động trong lĩnh vực CNTT-TT; nâng cao chất lượng nhân lực CNTT của ĐHQG-HCM đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Gần đây nhất là nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Nhiệm vụ này nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ĐHQG-HCM và lĩnh vực giáo dục.
“Chúng tôi thật sự cảm kích và tự hào về chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua. Đó là một chặng đường với nhiều khó khăn, thử thách nhưng khẳng định được vai trò, vị trí của ITP trong quá trình phát triển chung của ĐHQG-HCM” - PGS.TS Trần Mạnh Hà bày tỏ.
Nói về kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới, ông Hà cho biết ITP tiếp tục phát triển 3 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm dữ liệu, và trung tâm trí tuệ nhân tạo nhằm tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số ĐHQG-HCM và phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.
“Với tinh thần đoàn kết, tăng cường hợp tác và mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong quản lý và công việc, chúng tôi tin tưởng tiếp tục chinh phục những mục tiêu này” - Phó Giám đốc phụ trách ITP khẳng định.
PV