- Con gái cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra có sự tự tin, có sức hút nhưng hơn hết bà mang họ Shinawatra và sở hữu gương mặt khiến nhiều người nhớ đến người cha nổi tiếng của bà. Trong cuộc đua vào vị trí thủ tướng sắp tới của Thái Lan, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Paetongtarn Shinawatra đang là ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 14/5 tới.
Bà Paetongtarn Shinawatra |
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng chiến thắng dành cho con gái út của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin - nhân vật gây chia rẽ nhất đất nước Thái Lan - có thể đẩy quốc gia Đông Nam Á quay trở lại vòng xoáy bất ổn với làn sóng biểu tình khắp đất nước và kéo theo sự can thiệp quen thuộc của lực lượng quân đội.
Việc bà Paetongtarn, 36 tuổi, tham gia vào cuộc đua tranh cử chức Thủ tướng được dự đoán sẽ đem lại kết quả xứng đáng cho đảng đối lập Pheu Thai nổi tiếng. Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận đang tốt đến mức Đảng Pheu Thai hy vọng vào một chiến thắng áp đảo, với đủ số ghế để vượt qua lợi thế có sẵn của đảng cầm quyền và giành được quyền bầu ra Thủ tướng.
Trong khi con gái cựu Thủ tướng Thaksin - bà Paetongtarn đang là ứng cử viên sáng giá, nhận được nhiều phiếu bầu hơn trong số ba ứng cử viên của đảng Pheu Thai thì bất kỳ ứng cử viên nào trong số ba ứng cử viên này đều có thể nổi lên sau những hoạt động thương lượng hậu hậu bầu cử để chọn ra Nhà lãnh đạo mới của Thái Lan.
Tại một sự kiện đăng ký cho các ứng cử viên vào tháng 3, bà Paetongtarn đã vạch ra các chính sách bao gồm cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo mức lương tối thiểu cao hơn, giảm ô nhiễm và biến Thái Lan thành một trung tâm công nghệ tài chính.
Người cha 73 tuổi của bà Paetongtarn là chính trị gia Thái Lan đầu tiên giành được đa số ghế áp đảo. Mặc dù các chính sách dân túy của doanh nhân tỷ phú đã xây dựng cho ông một cơ sở chính trị hùng mạnh, nhưng chúng cũng khiến ông trở thành kẻ thù của tầng lớp trung lưu, hoàng gia của Thái Lan. Ông Thaksin bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 và đã phải sống lưu vong trong hơn một thập kỷ để tránh phải ngồi tù vì lạm quyền - một bản án mà ông đã chỉ trích là có động cơ chính trị.
Tuy nhiên, ông Thaksin vẫn gần gũi với trái tim của hàng triệu cử tri ở Thái Lan, đặc biệt là những người nghèo của đất nước và người dân ở khu vực miền bắc tương đối khó khăn của Thái Lan.
Bà Paetongtarn khẳng định baf không chỉ là người đại diện cho cha mình. “Tôi không phải là cái bóng của bố tôi. Tôi là con gái của bố tôi, mãi mãi và mãi mãi, nhưng tôi có quyết định của riêng mình,” bà Paetongtarn đã nhấn mạnh như vậy với với một phóng viên tại một cuộc mít tinh gần đây.
Những lo ngại về việc đảng Pheu Thai giành chiến thắng và con gái ông Thaksin lên làm Thủ tướng sẽ dẫn đến viễn cảnh bất ổn quay trở lại với đất nước Thái Lan là điều không phải không có cơ sở.
Thái Lan đã chìm trong vòng xoáy của các cuộc xung đột chính trị kéo dài dai dẳng suốt từ năm 2006 khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra lúc đó bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu. Suốt nhiều năm sau đó, người ta liên tiếp chứng kiến các cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa một bên là thành phần hoàng gia, trung lưu, thành thị chống ông Thaksin với bên kia là lực lượng người nghèo, nông dân ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.
Bà Yingluck - em gái của ông Thaksin, lên cầm quyền năm 2011 với tư cách là nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan. Tuy nhiên, chính quyền của bà chỉ ổn định trong được hai năm đầu. Sau đó, dưới sức chống phá mạnh mẽ của phe đối lập, chính phủ của bà Yingluck cuối cùng cũng sụp đổ.
Phe đối lập luôn cáo buộc cựu nữ Thủ tướng Yingluck là “con rối” trong tay người anh trai quyền lực đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Không ai có thể phủ nhận quyền lực, sức ảnh hưởng và uy tín của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trên chính trường Thái Lan. Dù đã rời ra đất nước trong nhiều năm qua nhưng ông Thaksin vẫn là nhân vật có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Thái Lan. Ông này chính là nhân vật trung tâm, là nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp ở Thái Lan trong nhiều năm qua.