- Năm 2023, WHO phát động Ngày Thế giới không thuốc lá với chủ đề: “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”. Thông điệp trên nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường.
Tác hại khôn lường của thuốc lá và thuốc lá thế hệ mới
Tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 23/5, báo cáo về việc phòng chống tác hại của thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong 10 năm qua, việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020. Ở lứa tuổi 13 - 15, tỷ lệ này cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị hấp dẫn giới trẻ. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Những bệnh liên quan đến thuốc lá (Bộ Y tế) |
Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.
Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3%, xuống 42,3%. Với các kết quả như trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường, xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Chia sẻ về tác hại của thuốc lá trong Hội thảo cung cấp thông tin về phòng chống thuốc lá của Bộ Thông tin và Truyền thông, ThS. BS. Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HeathBridge Việt Nam cho hay:
“Khói thuốc lá chứa 7.000 hợp chất độc hại, 69 hợp chất gây ung thư. Nicotine trong thuốc lá gây nghiện, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Khói thuốc gây nên những tác động nghiêm trọng tới trẻ trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên. Việc sử dụng thuốc lá sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên gây nghiện sớm, khó cai hơn, ảnh hưởng sớm đến sức khỏe, sự phát triển não bộ, khả năng học tập, khả năng lao động, chất lượng giống nòi. Với 15,4 triệu người hút thuốc (BYT, 2020).
Việt Nam trong số quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2010 - 2020 tỷ lệ hút thuốc người trưởng thành giảm chậm, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động vẫn ở mức cao".
Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “Tất cả các sản phẩm thuốc lá, đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống, sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này; đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.
Cũng Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới, chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Thuốc lá tạo gánh nặng cho chi phí quốc gia
Thông tin từ ThS. BS. Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HeathBridge Việt Nam: Năm 2020, số tiền chi mua thuốc lá của người Việt Nam là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh/tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá ~ 1% GDP (2014), tương đương 24.000 tỷ đồng.
Còn theo ThS. Đào Thế Sơn – Đại học Thương mại, thuốc lá đã tạo gánh nặng cho chi phí quốc gia: “Sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Nghiện thuốc lá, làm cạn kiệt nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Các công ty thuốc lá định giá thấp cho nông dân trồng thuốc lá nghèo và ở nhiều nơi ký các hợp đồng trồng trọt, khiến nông dân trong vòng nợ nần. Thuốc lá làm nghèo các chính phủ, do gánh nặng tài chính ngân sách cho y tế, mất năng suất lao động, thiệt hại môi trường, cùng những vấn đề khác...
ThS Sơn cũng chia sẻ thêm, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các hộ gia đình có thu nhập thấp, chi tiêu thuốc lá chiếm hơn 10% chi tiêu của hộ, lấy đi thu nhập cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm, gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực, vì chi tiêu thực phẩm chuyển sang thuốc lá”.
“Từ 2010 đến 2015, nhóm nghiện thuốc lá nặng giảm trong nhóm hộ gia đình giàu nhất, tăng trong các nhóm hộ gia đình nghèo nhất, nghèo và trung bình. Rác thải nhựa của các nhà máy thuốc lá chiếm 12% rác thải nhựa được nhận diện là từ các công ty. Trồng cây thuốc lá, mang lại lợi ích kinh tế không đáng kể, nếu tính cả chi phí cơ hội của thành viên hộ gia đình. Trong khi đó, các hộ trồng lại đối mặt với rủi ro sức khoẻ, tỷ lệ mắc 9/16 rủi ro sức khoẻ cao hơn các hộ không trồng thuốc lá.
Những biện pháp giảm thiểu tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá phân tích: “Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Để có thể so sánh một cách công bằng giá thuốc lá giữa các quốc gia, thì giá bao thuốc Marlboro ở các nước được chuyển đổi thành giá theo đô la quốc tế. Theo đơn vị quy đổi này thì, giá trung bình 1 bao thuốc Marlboro ở Việt Nam là 2,82 đô la (tính theo sức mua tương đương), chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới (5,62 đô la/bao)".
Để giảm thiểu tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Hương đề xuất, ủng hộ tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, Luật phóng chống tác hại của thuốc lá, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại đã quy định rõ cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.
Về khía cạnh pháp luật ThS. BS. Nguyễn Thị An nói: “Pháp luật Việt Nam cũng quy định: Tại Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 5/4/2016 (có hiệu lực 1/6/2017), điều 6: Các hành vi bị nghiêm cấm “Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác”, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em”.
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13, được Quốc hội thông qua 18/06/2012 và có hiệu lực 01/05/2013. Điều 9: Các hành vi bị nghiêm cấm: 4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; 5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; 6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
ThS. BS. An khuyến nghị, chúng ta cần tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm vi phạm trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.
Chúng ta cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ; ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới; truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em.
Cũng về vấn đề tài chính, ThS. Sơn khuyến nghị: “Chính sách thuế và giá tại Việt Nam còn rất thấp, có nhiều bất cập, cần phải được cải thiện trong thời gian tới theo xu hướng: Có thành phần thuế tuyệt đối, tăng đủ cao và thường xuyên để chống sự xói mòn cơ sở thuế, do lạm phát và tăng trưởng thu nhập; tiếp tục tăng cường hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý thuế nhằm đảm bảo việc thực thi chính sách; cần ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới, vì các sản phẩm này sẽ tiếp tục làm xói mòn các mục tiêu SDGs”.