- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đang rất nỗ lực để không ngừng nâng cao chất lượng các hồ sơ dự án luật, nghị quyết và các tài liệu trình Quốc hội.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 22/5/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Về chuẩn bị nội dung của kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 08 luật, 03 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 09 dự án luật khác; đồng thời, xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023;
Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét báo cáo của một số cơ quan; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ Kỳ họp thứ 5 có khối lượng lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành nên ngay từ sau Kỳ họp thứ 4, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ từ sớm với nhau và với các cơ quan hữu quan để tích cực chuẩn bị các nội dung với chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét quyết định.
Trong điều kiện nhiều hồ sơ tài liệu được trình trong thời gian gấp, nội dung phức tạp, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc ngày đêm, gấp rút. Đến nay cơ bản các nội dung của kỳ họp đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến và đủ điều kiện trình Quốc hội. Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã và đang hoàn thiện hồ sơ để gửi đến đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến việc chậm trễ trong trình một số nội dung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hạn chế này có phần trách nhiệm của Ban cán sự đảng Chính phủ và bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ của Quốc hội trong diều kiện khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung khó, vừa phải bảo đảm tiến độ nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm chất lượng, nhiều nội dung phải thảo luận, cho ý kiến nhiều lần để đi đến thống nhất.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ đang rất nỗ lực để không ngừng nâng cao chất lượng các hồ sơ dự án luật, nghị quyết và các tài liệu trình Quốc hội.
Về các nội dung cụ thể như về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đề xuất tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thiết kế chính sách thích ứng với thuế tối thiếu toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ sẽ quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa để thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Tuyền truyền kịp thời, đầy đủ về Kỳ họp
Để triển khai hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội ban hành Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, mục đích đặt ra là cần tổ chức vận hành hiệu quả Trung tâm Báo chí Kỳ họp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, tác nghiệp, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng định hướng về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; qua đó, góp phần tạo điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm công tác phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Quốc hội với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, các Bộ, Ban, ngành hữu quan trong việc cung cấp kịp thời, chính xác những nội dung chương trình nghị sự được Quốc hội xem xét, quyết định để các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin, tuyên truyền đậm nét, toàn diện về Kỳ họp; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT bảo đảm định hướng tuyên truyền, xử lý kịp thời sự cố truyền thông và hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đề án cũng xác định rõ, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương bảo đảm tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác, toàn diện về Kỳ họp; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, chú trọng tuyên truyền trên internet, thực hiện tuyên truyền linh hoạt, đan xen trên các phương tiện thông tin báo chí truyền thống và mạng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp.
Để đạt được các mục tiêu trên, Văn phòng Quốc hội yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng tuyên truyền về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV trong các bản tin thời sự, chuyên mục, chuyên đề; tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về Kỳ họp.
Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tổ chức nắm bắt kịp thời các luồng ý kiến dư luận xã hội trong cử tri và Nhân dân phản ánh về Kỳ họp thứ 5 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các thành viên UBTVQH;
Phát hiện và có giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, có dụng ý xấu trên mạng xã hội ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, cá nhân các đồng chí thành viên UBTVQH; đấu tranh với các xu hướng cơ hội, tạo chuyển biến, chuyển hóa ngay trong diễn đàn Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội…