Cách chăm sóc trẻ để cải thiện sức khỏe đường ruột

0
0

 - Ở trẻ em do hệ đường ruột chưa phát triển toàn diện, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng bởi cha mẹ, thói quen vệ sinh kém... sẽ dễ dẫn tới các bệnh về tiêu hóa. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ đúng cách hàng ngày để cải thiện sức khỏe đường ruột là vô cùng quan trọng.

Theo Phó giáo sư Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm tại ruột, trong thành ruột có khu vực đặc biệt được gọi là mô lympho liên quan đến ruột giúp giám sát miễn dịch những chất đi qua ruột, chúng nhận ra, xác định và trung hòa bất kỳ chất gây hại mà thấy trên đường vào cơ thể. Tế bào miễn dịch trong ruột tương tác với hệ vi khuẩn ruột và trực tiếp tác động bởi chế độ ăn và lối sống của cá thể. Những hệ vi khuẩn chí này sẽ khỏe và hỗ trợ hệ miễn dịch mạnh khỏe khi chúng ta có chế độ ăn khỏe, cân đối, đa dạng.

Chính vì vậy, việc chăm sóc hệ tiêu hóa nâng cao sức khỏe cần được mọi người dân chủ động và duy trì đều đặn hằng ngày thông qua chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh, đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng là bột đường, đạm, béo, vitamin-khoáng chất.

 

Các bậc phụ huynh cần lưu ý những điểm sau để giúp đường ruột ở trẻ tốt hơn:

Cho trẻ bú mẹ theo khuyến cáo

Cho trẻ bú mẹ là việc cần thiết để trẻ có đường ruột khỏe mạnh, vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo khuyến cáo, mẹ hãy cho trẻ bú hoàn toàn 6 tháng đầu đời, điều này sẽ giúp trẻ có đường ruột khỏe mạnh và phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Và cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi, đồng thời bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng. Trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp dễ hấp thu, không đầy bụng, sữa không bị ứ lại tại dạ dày, giúp giảm đau bụng và trào ngược.

Ngoài ra, sữa mẹ sẽ giúp tăng cường miễn dịch tại đường ruột, chống sự xâm nhập của các vi khuẩn, virrus gây bệnh, giảm nguy cơ tiêu chảy. Hơn nữa, trong sữa mẹ có hơn 130 loại chất xơ khác nhau, giúp làm mềm phân, tăng thời gian di chuyển của phân trong lòng ruột, kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột trẻ, giúp giảm táo bón.

Khi trẻ tròn 6 tháng tuổi là thời gian bắt đầu ăn dặm, vì ở lứa tuổi này trẻ có sự hứng thú với ăn uống, răng cũng bắt đầu mọc, biết sử dụng lưỡi đảo thức ăn và sử dụng hàm để nhai, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã bắt đầu có khả năng tiêu hóa thức ăn đặc.

Chú ý đến an toàn thực phẩm

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ngày cho trẻ cần được đặt lên hàng đầu. Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn hàng quán bên ngoài, nhất là những nơi không yên tâm về nguồn gốc thực phẩm, an toàn về chế biến. Nên thường xuyên nấu ăn ở nhà để bảo đảm nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ và đủ chất.

Trước khi ăn, trẻ phải rửa tay kỹ bằng xà phòng, cần được ăn uống điều độ, đúng giờ. Bữa ăn nên được chia khẩu phần hợp lý, có thể chia thành nhiều bữa phụ, để vừa sức tiêu hóa của trẻ - không quá nhiều khiến trẻ ngấy chán, nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi của trẻ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những giải pháp quan trọng nhất để giúp trẻ có đường ruột khỏe mạnh, từ đó ngăn ngừa và phòng chống các bệnh về tiêu hóa.

Chế độ ăn của trẻ cần có đầy đủ 8 nhóm dinh dưỡng thiết yếu gồm: Chất bột đường, chất béo, nhóm thịt, trứng, sữa, đậu đỗ, rau củ và quả chín. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, trẻ còn cần được cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày, nhằm giúp thức ăn được pha loãng và dễ di chuyển trong đường ruột.

Các thực phẩm giàu chất xơ, không có tính axit và giàu men vi sinh rất cần thiết, điển hình như rau củ quả và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt.

Chúng giúp đường ruột trẻ giữ và lọc thức ăn để tách lấy dinh dưỡng, đẩy các chất thải ra ngoài cơ thể. Các loại rau lá củ cải, bina, cải xoăn, cải bắp, cà rốt, súp lơ… có tính kiềm, trung hòa axit dịch vị trong đường ruột.

Đặc biệt, đối với những trẻ có đường ruột yếu, tiêu hóa kém, mẹ cần tích cực bổ sung các vi chất dinh dưỡng như vitamin D, kẽm (có nhiều trong nấm, cải bó xôi, các hạt có dầu…) là những yếu tố tốt cho niêm mạc ruột để giúp trẻ dễ dàng hấp thu và chuyển hóa các chất.

Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ

Thức ăn của trẻ cần đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu phát triển thể chất, tinh thần, trí não, có đủ 4 nhóm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Số bữa ăn và số lượng thức ăn trong mỗi bữa cần tăng dần theo tháng tuổi, để phù hợp với dung tích lứa tuổi của trẻ, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện. Vào mùa hè, thời tiết nóng bức sẽ dẫn đến tình trạng trẻ chán ăn, vì thế cha mẹ cần chế biến nhiều món ăn đa dạng, ưu tiên một số loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ vào mùa hè.

Tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh chứa chất xơ, để thúc đẩy hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh và giúp làm sạch các loại thực phẩm không được tiêu hóa tốt.

Ngoài ra, rau còn chứa một lượng lớn vitamin và khoáng chất, rất cần thiết để tiêu hóa các loại thực phẩm béo không lành mạnh. Chế biến các món ăn giàu đạm dễ hấp thu như: Cá, tôm, thịt gà… giúp trẻ dễ tiêu hóa. Các thực phẩm lên men sữa chua, đậu nành và những chế phẩm từ sữa cũng được các chuyên gia khuyến cáo tốt cho hệ đường ruột.

 

Trẻ cần ngủ đủ giấc

Nhiều cha mẹ cho rằng giấc ngủ của trẻ liên quan gì đến sức khỏe đường ruột. Điều này chưa hẳn đúng, vì hệ tiêu hóa làm việc liên tục vào ban ngày để phân hủy thức ăn, tạo glucose để cơ thể duy trì các hoạt động. Khi ngủ nhu cầu glucose giảm đi, vì thế quá trình trao đổi chất và tiêu hóa cũng chậm lại.

Ngủ đủ giấc tạo cơ hội cho hệ tiêu hóa nghỉ ngơi, bổ sung năng lượng, các tế bào niêm mạc dạ dày, đường ruột được phục hồi và tái tạo. Khi trẻ khó ngủ, thiếu ngủ, hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải, ảnh hưởng đến quá trình phân giải thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa.

Vì vậy, trẻ cần ngủ đủ và ngủ sâu giấc từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, điều này sẽ giúp trẻ được thư giãn, tâm trí được nghỉ ngơi, hồi phục, mang lại lợi ích lớn cho sự cân bằng của đường ruột.

Cần cho trẻ uống đủ nước

Nước là thành phần vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Mất nước có thể làm giảm lợi khuẩn, tăng hại khuẩn trong đường ruột, nhất là khi mùa nóng trẻ thường mải chơi quên không uống nước.

Ngoài ra, nước còn giúp làm mềm phân, thúc đẩy quá trình đại tiện và giảm táo bón. Ngoài ra, nước được biết đến khả năng có thể rửa sạch các chất độc tích tụ, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Do đó, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ uống đủ nước, để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

PV

P.V

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.