Thời gian còn lại cho đến ngày dự thi tốt nghiệp THPT, HS nên tự ôn tập, hệ thống lại các kiến thức đã học, làm quen với một số định dạng đề…
Với môn Toán, theo thầy Phan Quốc Duy – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), đối với thí sinh học lực trung bình thì nên học kĩ lý thuyết, luyện giải cẩn thận các câu mức độ dễ (từ câu 1 đến 28), sau đó tiếp tục ôn tập các dạng câu tương tự ở mức độ thông hiểu (từ câu 29 đến câu 38) với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”.
Đối với học sinh khá, giỏi, thầy Duy lưu ý, những câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu (từ câu 1 đến câu 38), các em nên luyện giải nhanh, chính xác, tốt nhất là hoàn thành phần này trong 20 đến 30 phút đầu tiên. Tránh tình trạng chủ quan, tâm lý “câu này biết làm, bỏ qua”. Sau đó mới làm các dạng toán Vận dụng, Vận dụng cao. Nên chia thời gian làm bài thành ba lượt: Lượt 1 đọc và giải quyết các câu tô được ngay dưới 1 phút, sau đó nên đọc lướt các câu còn lại một lần, tìm các câu quen thuộc để làm, lượt 2 thì giải quyết các câu không quá 3 phút, tránh sa đà vào các câu khó, tốn thời gian. Lượt 3 các em dành thời gian cho các câu còn lại trong khả năng.
Trong thời gian ôn tập, củng cố kiến thức còn lại, các trường THTP ở Đà Nẵng tập trung cho học sinh làm quen với nhiều đề thi tham khảo để có thêm kinh nghiệm làm bài thi. |
Thầy Phan Quốc Duy gợi ý thí sinh nên vận dụng nhiều phương pháp khác nhau khi giải quyết bài toán: Phương pháp loại trừ, Phương pháp thử, Phương pháp kết hợp giải tự luận một phần, kết hợp trắc nghiệm, Phương pháp sử dụng máy tính cầm tay, Phương pháp đặc biệt hoá bài toán. Hết sức tránh câu nào cũng làm tự luận rồi chọn đáp án vì phải dành quá nhiều thời gian cho mỗi câu hỏi, sẽ không đủ thời gian để giải quyết hết số câu hỏi trong đề.
Vì vậy, thí sinh cần chọn phương pháp giải toán linh hoạt cho từng câu. “Có câu làm tự luận để chọn đáp án, có câu làm tự luận một phần và kết hợp với các phương án A, B, C, D để chọn đáp án. Có câu phải sử dụng máy tính bỏ túi, phương pháp loại trừ, thay ngược các phương án vào đề bài để chọn đáp án. Với những câu hỏi mang tính tổng quát (như cho hình chóp tùy ý) thì chuyển ngay bài toán đó về dạng đặc biệt để giải (như hình chóp đều)”.
Khi làm các bài toán hình học không gian, thí sinh chú ý hình vẽ có sẵn trên đề bài, vẽ thêm hoặc đặc biệt hoá bài toán để tìm ra lời giải bài toán. Có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tọa độ để giải toán, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi rèn luyện tính toán nhiều, có thể tốn thời gian.
Trong thời gian ôn tập còn lại cho đến ngày dự thi tốt nghiệp, thầy Phan Quốc Duy gợi ý thí sinh cần bám sát nội dung đề minh hoạ của Bộ GDĐT, tham khảo thêm các đề thi thử của Sở GDĐT và các trường THPT các tỉnh thành. Điều này sẽ giúp thí sinh làm quen với nhiều dạng câu hỏi, có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật làm bài thi.
Trong thời gian ôn tập, thử sức với các đề tham khảo, thí sinh cần rèn luyện thói quen làm đến câu nào thì tô đáp án ngay cho câu đó, không “để dành” tô một lượt.
Thầy Phan Quốc Duy khuyên thí sinh, cùng với giải để thi thử thì cần dành thời gian sửa đề để rút ra được nhiều kinh nghiệm làm bài. Phải chú ý những lỗi sai, những nội dung dễ nhầm lẫn để tránh lặp lại những sai sót trong khi làm bài thi thật.
“Học sinh cần học kỹ 6 chuyên đề của kiến thức lớp 12 như khảo sát hàm số, mũ và logarit, hình học không gian, tích phân, số phức, hình học giải tích. Các em cần ôn tập tất cả các kiến thức căn bản vì kiến thức căn bản trong đề minh họa chiếm khoảng 7,6 điểm. Với kiến thức lớp 11, học sinh cần nắm chắc các nội dung gồm: Công thức tổ hợp, xác suất, nhị thức Newton, cấp số cộng và nhân, Hình học không gian” – thầy Phan Quốc Duy gợi ý.
Theo Giáo dục Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/cac-luu-y-de-diem-thi-tot-nghiep-thpt-mon-toan-dat-diem-cao-post636870.html