- Bộ Nội vụ đề xuất tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng.
Báo cáo Quốc hội, đại biểu Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, liên quan đến cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng báo cáo lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đến nay, Bộ Nội vụ nhận được báo cáo của 16/18 bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo về thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP (Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW).
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện Báo cáo “Kết quả thực hiện và lộ trình triển khai cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.
Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng các phương án triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đề xuất phương án điều chỉnh các năm tiếp theo theo hướng tiếp tục điều chỉnh mức lương thấp nhất để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mức lương thấp nhất cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW). Bộ sẽ dự toán nguồn kinh phí, kế hoạch nhiệm vụ đối với các bộ, cơ quan liên quan.
Trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gửi Bộ Tư pháp thẩm định để thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở, theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
“Ngày 27/4/2023, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 62/BCTĐ-BTP báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 5/2023”, Bộ Nội vụ cho biết.