- Năm 2023, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh xác định ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đào tạo, khoa học công nghệ. Trong đó, hệ thống học liệu số được chính thức triển khai từ năm 2021 ngày càng được cập nhật, nhằm cung cấp nền tảng dạy và học trực tuyến hiện đại, toàn diện cho giảng viên, sinh viên.
Hệ thống học liệu số của ĐHQG-HCM được vận hành trên trang Hệ thống đào tạo trực tuyến https://elearning-vnuhcm.vn/ với mục tiêu xây dựng một phần hệ thống bài giảng môn học dùng chung, tài liệu tham khảo, bài giảng số chuyên ngành, trước hết để sinh viên ĐHQG-HCM tự nghiên cứu học tập, giảng viên tham khảo cho các hoạt động dạy học. Sau đó, hệ thống sẽ từng bước mở rộng và hoàn thiện trong toàn ĐHQG-HCM. Việc phát triển hệ thống học liệu số này sẽ góp phần tạo ra sự đột phá, phát triển khác biệt trong ĐHQG-HCM, lấy người học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số tại cơ sở giáo dục đại học này.
Giao diện bài giảng môn Triết học Mác - Lênin trên hệ thống học liệu số ĐHQG-HCM. |
Hệ thống học liệu số của ĐHQG-HCM gồm bài giảng điện tử, bài giảng e-learning, bài giảng dạy trên truyền hình, giáo án điện tử, bài trình chiếu điện tử và được chia làm hai cấp. Cấp ĐHQG-HCM sẽ có các môn học chung như Triết học Mác - Lênin, Xác suất thống kê. Và cấp đơn vị thành viên với các môn chuyên ngành, cơ sở. Đến nay, ĐHQG-HCM đã xây dựng được hệ thống với 2 môn chung và 41 môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ bản và cơ sở ngành của các trường: ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ Thông tin và ĐH Kinh tế - Luật.
Hệ thống học liệu số sẽ do chính giảng viên ĐHQG-HCM đăng ký xây dựng và thiết kế. ĐHQG-HCM sẽ cung cấp tài khoản cho các giảng viên chủ động và chịu trách nhiệm tải bài giảng số lên hệ thống.
Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM cũng cấp tài khoản cho sinh viên các đơn vị thành viên đăng nhập vào hệ thống học liệu số các môn học chung để phục vụ việc học tập và tham khảo.
Thông qua hệ thống học liệu số đã hình thành và triển khai, các giảng viên và sinh viên có thể khai thác sử dụng chung. Đồng thời hệ thống cũng cung cấp một nền tảng học trực tuyến hiện đại và toàn diện, đủ các tính năng để tổ chức một lớp học trực tuyến cũng như có thể quản lý, kiểm tra, đánh giá, phân tích kết quả học tập và nhận xét mức độ tiến bộ của người học trong quá trình học tập, vì tất cả quá trình học tập của sinh viên đều sẽ được lưu lại trên hệ thống.
Hệ thống bài tập phong phú
Kho học liệu số ĐHQG-HCM có nội dung lý thuyết, hình ảnh và hệ thống bài tập phong phú, bám sát nội dung chương trình đào tạo đại học hiện hành, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Ðặc biệt, nhiều bài giảng số được các giảng viên ĐHQG-HCM tâm huyết đầu tư xây dựng, sử dụng nhiều phần mềm để tạo giáo án, bài giảng điện tử tương tác, các bài trình chiếu, đoạn video,... Nhìn chung, kho dữ liệu số này được biên soạn bài bản, chất lượng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng cường hiệu quả giảng dạy.
Ðối với sinh viên, đây là nguồn tài liệu bổ sung kiến thức quan trọng và hữu ích. Thông qua hệ thống, sinh viên hoàn toàn có thể tự học ở nhà bằng cách tương tác với nội dung số từ kho học liệu hay làm bài tập trắc nghiệm, bài tự luận, đề kiểm tra, video,...
Bằng việc tạo lập kho học liệu số, bài giảng số trong các đơn vị thành viên, ĐHQG-HCM có cơ hội để kết nối và xây dựng kho tài nguyên học liệu số dùng chung. Đây là nguồn tài nguyên hữu ích, chất lượng, giúp các đơn vị trong ĐHQG-HCM có được nguồn lực cho phát triển học liệu, giúp đội ngũ giảng viên cùng khai thác, trao đổi và chắt lọc những phương pháp, kiến thức phù hợp nhất cho bài giảng của mình và nâng cao chất lượng dạy học.
Hiện nay, 43 môn học đã có trên hệ thống học liệu số ĐHQG-HCM. Dự kiến năm 2023, ĐHQG-HCM tiếp tục xây dựng bài giảng số một môn chung và 20 - 30 môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành trong chương trình đào tạo đang triển khai tại các đơn vị thành viên và trực thuộc.
PV