Quan điểm về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo nghĩa tự chủ là "tự do" và "tự lo", dẫn tới cách hiểu, cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất.
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đưa ra tại buổi hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/4.
Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp
Tự chủ đại học được đánh giá là một chủ trương lớn và giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29- NQ/TW. Theo đó, việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã có tác động tích cực tới hệ thống giáo dục đại học trong thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: CTV |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số các trường tự chủ có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Tuy nhiên, theo cơ cấu thu chi cho thấy, do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở giáo dục chủ yếu dành để chi trả cho con người, trong khi chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Bà Nguyễn Thị Hoa Mai cho biết, mức đầu tư cho giáo dục đại học thời gian qua đã có nhiều cải thiện nhưng còn thấp so với trung bình trong khu vực và trên thế giới. Hiện mức đầu tư công cho giáo dục đại học của Việt Nam chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. So sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học Việt Nam/GDP giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy chỉ đạt khoảng 0,27% GDP.
Đánh giá về thực hiện tự chủ đại học, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, mặc dù việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp cải thiện, đổi mới hệ thống giáo dục và đạt được một số kết quả tích cực, nhưng trên thực tế tự chủ đại học có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính. Các trường đại học muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư.
Đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học còn thấp. |
Về thực thi quyền tự chủ đối với tài chính, theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, theo quy định, các trường đại học tự chủ thì được quyền quyết định học phí nhưng phạm vi quyết định lại được quy định bởi Nghị định 81. Việc cắt chi thường xuyên ngay sau khi cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, dẫn đến việc hạn chế việc chi đầu tư cho các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, các vấn đề hợp tác công tư đối với các đơn vị tự chủ bao gồm chính sách, pháp lý, tài sản… cũng chưa được đồng bộ, rõ ràng, tạo hành lang pháp lý cho cơ sở giáo dục tự chủ có thể giải quyết được vấn đề tạo các nguồn thu hợp pháp, giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu học phí. Cụ thể, từ năm 2022 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh chuyển sang cơ chế tự chủ, ngay lập tức ngân sách nhà nước dành cho trường bị cắt. Trong khi đó, trường đa phần thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội lâu dài của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị, cần đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho giáo dục đại học. Cụ thể, nghiên cứu để quy định về cơ chế tài chính phù hợp với thực tiễn của Việt Nam theo hướng tăng phân quyền, giao thêm quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học về tài chính, tài sản và đầu tư.
Đồng thời, xác định chi phí đào tạo bình quân và suất đầu tư của từng nhóm ngành đào tạo làm cơ sở cho việc tính đúng, tính đủ học phí; từ đó xác định mức học phí cần thu (trên cơ sở tổng chi phí đào tạo bình quân trừ đi khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước) để bảo đảm chất lượng đào tạo. Ngoài ra, xem xét xây dựng lộ trình nâng tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học tính trên GDP, bắt kịp với các nước trong khu vực.
Tự chủ không có nghĩa là “tự do” và “tự lo”
Tự chủ đại học công lập là các cơ sở giáo dục được các cơ quan chủ quản trao quyền tự quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển đại học theo khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho cho biết, có quan điểm cho rằng, thực hiện tự chủ nghĩa là cơ sở giáo dục đại học được hoàn toàn “tự do” quyết định mọi việc và phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định, tự chủ đại học dù ở mức độ nào vẫn luôn tồn tại vai trò của Nhà nước và luôn tồn tại mối quan hệ giữa kiểm soát chất lượng và tự chủ.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cũng cho rằng, tự chủ không có nghĩa là hoàn toàn “tự lo”. Ví dụ như tại Trường có những ngành học đặc thù như khảo cổ, Hán Nôm... khi chuyển qua cơ chế tự chủ vẫn cần được hỗ trợ để tạo điều kiện cho sinh viên theo học.
Trong khi đó, TS. Ông Văn Năm, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, mặc dù tự chủ không có nghĩa là “tự lo” nhưng có quan điểm cho rằng, khi đã được cơ quan chủ quản phê duyệt cơ chế tự chủ thì cơ sở giáo dục phải “tự lo” và hiển nhiên khi đã tự chủ rồi là bị “cắt giảm” kinh phí; hoặc khi trao cho các cơ sở giáo dục cơ chế tự chủ thì vai trò của cơ quan chủ quản sẽ “mờ nhạt”, “mất kiểm soát” hoặc không còn “tác động” gì nữa.
Hệ quả của nhận thức trên là một số bộ, ngành, địa phương không hào hứng lắm để cho các cơ sở giáo dục đại học trong phạm vi quản lý tiến hành và vận hành cơ chế tự chủ. Việc hiểu chưa đúng về tự chủ từ phía các nhà quản lý khiến một số cơ sở giáo dục đại học công lập ở vùng đặc thù, một số ngành đặc thù “kén sinh viên” rơi vào tình trạng bị “bỏ rơi” không tiếp tục nhận được kinh phí hỗ trợ của Nhà nước; hoặc có thể rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, tự chủ cũng không xong mà không tự chủ cũng không được.
Để tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan kiến nghị, cần có sự đánh giá đầy đủ, toàn diện về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục khi thực hiện quyền tự chủ. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống giáo dục đại học trong mối tương quan với hệ thống giáo dục đại học trên thế giới. Với các quy định, chính sách liên quan đến tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học nên đầy đủ, đồng bộ và cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính nhất quán, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học để từ đó các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trọn vẹn, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời” hoặc trao quyền tự chủ nhưng vẫn bị “trói buộc” bởi cơ chế.
Ngoài ra, để thực hiện tự chủ thành công, rất cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, nhưng cốt lõi vẫn là hai phía Nhà nước và các cơ sở giáo dục. Cụ thể, về phía Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội phải tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững mạnh, chắc chắn để tạo điều kiện cho các cơ sở có niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tự chủ hoặc đang chuẩn bị thực hiện tự chủ. Về phía các cơ sở giáo dục, cần chủ động nâng cao năng lực tự chủ bằng cách nâng cao chất lượng, kiểm định chất lượng, trách nhiệm giải trình để đạt mục tiêu, sau cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/ban-tron-giao-duc/tu-chu-dai-hoc-tai-viet-nam-bi-hieu-nham-la-tu-do-va-tu-lo-20230421192239710.htm