- Bắc Kinh đã cố gắng tìm cách dập tắt “ngọn lửa tức giận” của các nước vùng Baltic sau khi Đại sứ của họ tại Pháp - ông Lu Shaye hồi cuối tuần vừa rồi có phát biểu tỏ ra hoài nghi về chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Đại sứ Pháp tại Trung Quốc Lu Shaye |
“Phía Trung Quốc tôn trọng vị thế của các quốc gia thành viên với tư cách là các quốc gia có chủ quyền sau sự sụp đổ của Liên Xô,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua (24/4) khi ông này được hỏi liệu Trung Quốc có ủng hộ những phát biểu của Đại sứ Lu hay không.
Phát ngôn viên Mao cũng lưu ý rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ và nói thêm rằng lập trường của Bắc Kinh về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn không thay đổi.
Văn phòng Đại sứ Trung Quốc tại Paris cũng đã có động thái nhằm dập tắt tranh cãi bằng tuyên bố của chính họ vào ngày hôm qua. Trong đó, phía Đại sứ quán đã nhấn mạnh rõ rằng những bình luận của Đại sứ Lu “không phải là một tuyên bố chính sách” mà là “sự thể hiện quan điểm cá nhân trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình”.
Trước đó, phát biểu trước giới truyền thông, Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye đã tỏ ra hoài nghi về cơ sở pháp lý cho chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Cụ thể, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình LCI của Pháp hồi cuối tuần vừa rồi, Đại sứ Lu đã thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay và tuyên bố rằng “các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trên thực tế không có vị thế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào cụ thể hóa tư cách của họ là một quốc gia có chủ quyền”.
Phát biểu trên của ông Lu ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của giới chức ba nước Baltic. Latvia, Estonia và Litva đã cùng nhau lên tiếng phản đối và yêu cầu Bắc Kinh phải có lời giải thích chính thức về vụ việc này.