- UBND TPHCM vừa ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19, khi tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Theo nội dung văn bản khẩn do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký ban hành, ngày 12/4, Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ghi nhận từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch Covid-19 trong nước đang có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Đồng thời, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc, dẫn đến khả năng gây dịch chồng dịch.
Riêng tại TPHCM, tính từ đầu tháng 3 đến nay, số lượng mắc Covid-19 mới là dưới 3 ca/ngày. Trong 7 ngày vừa qua (6-12/4), Thành phố ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 xác định. Tính đến ngày 12/4, có 18 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 9 ca cần hỗ trợ hô hấp. Theo Sở Y tế TPHCM, địa phương đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5, qua kết quả giải trình tự gen tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch bùng phát trở lại, UBND TPHCM đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường triển khai nhiều biện pháp.
Với Sở Y tế TPHCM, tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Sở Y tế phải phối hợp với các địa phương và ngành chức năng đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng Covid-19, đặc biệt đối với các nhóm người có nguy cơ cao; phối hợp với các cơ quan quản lý cửa khẩu và đơn vị liên quan triển khai các biện pháp giám sát tại cửa khẩu.
Khu vực kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM |
Ngành Y tế đảm bảo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND TPHCM yêu cầu tăng cường thông tin truyền thông, khuyến cáo người dân chủ động tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân; truyền thông về việc thực hiện nghiêm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phải chỉ đạo các cơ sở cấp dưới tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế, báo ngay cho cơ quan y tế địa phương khi có ca bệnh trong trường học. Đồng thời, có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị.
Ngoài ra, tăng cường hoạt động tiêm chủng tại trường học và thực hiện truyền thông phòng chống dịch đến học sinh, phụ huynh.
Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương thực hiện nghiêm việc chống dịch căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Chính phủ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Phải tiếp tục tổ chức đánh giá cấp độ dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp.
Với các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch trên địa bàn, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm.
Tổng hợp (Dân trí, Tuổi trẻ, PLO)