- Trẻ nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết. Những ngày này, nhiều phụ huynh TP.HCM không tránh khỏi nỗi lo sợ con phải nhập viện vì bệnh.
TP.HCM đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lên đến hơn 37 độ C, nhiều người dân "nhăn mặt, nhíu mày" khi di chuyển trên đường.
Thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt nên trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải. Nhiệt độ và độ ẩm tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Bác sĩ Ngô Thụy Minh Nhi, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định, thời gian chuyển mùa ở khu vực phía Nam là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa nhiều hơn.
Nguyên nhân là mùa nắng, nóng cùng với độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, siêu vi, vi nấm phát triển nhân đôi và lan rộng. Trong khi đó, bệnh thường gặp nhất ở trẻ em do virus, siêu vi rất dễ lây nhiễm khi các con tiếp xúc, vui chơi với nhau tại trường, khu vui chơi.
"Rất nhiều trẻ đến bệnh viện do sốt, sổ mũi, lừ đừ, triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm dẫn đến nôn ói, mất nước… Chủ yếu các bé dưới 5 tuổi", bác sĩ Nhi nhận định chung.
Trong thời gian này, phụ huynh lưu ý có 3 nhóm bệnh trẻ nhỏ thường gặp gồm bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hoá, bệnh hô hấp do các loại siêu vi, bệnh về da (viêm, nhọt).
Để phòng bệnh, phụ huynh cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý như bổ sung lượng nước đầy đủ, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin trong trái cây. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ. Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay bé. Gia đình nên giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh lý truyền nhiễm.
Tiêm vắc xin đầy đủ và cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Ngoài ra, trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu, khiến cơ thể bị mất nước và muối khoáng có thể bị say nắng. Trường hợp trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trong tháng 3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phát đi cảnh báo về các ổ dịch siêu vi hô hấp, cúm A có trong trường học. Điều này dấy lên nhiều lo ngại về sự bùng phát các ổ dịch siêu vi trong tháng 4, khi thời tiết tiếp tục nắng nóng, mưa về đêm thất thường.
Tuy nhiên, bác sĩ Nhi khuyến cáo cúm là bệnh lây truyền lưu hành gần như quanh năm. Nhiều chủng cúm gây bệnh nên khiến số trẻ mắc bệnh khá nhiều. Đa số trẻ có biểu hiện nhẹ, chưa gây viêm phổi hay đến mức nhập viện.
"Một lưu ý là cúm mặc dù tồn tại quanh, thời tiết nắng nóng là điều kiện khiến trẻ mắc cúm dễ diễn tiến nặng hơn", bác sĩ Nhi khuyến cáo.
Theo phân tích của bác sĩ Nhi, khi thời tiết nắng nóng oi bức, hoạt động chuyển hóa của cơ thể nhanh hơn, đặc biệt trẻ em có sự bài tiết nhanh hơn nên dễ khiến trẻ kiệt sức, mất nước, mất chất điện giải, trong đó, một số chất điện giải ảnh hưởng hệ tuần hoàn.
Lúc này, hệ miễn dịch chung của trẻ cũng sẽ giảm theo. Do đó, ngay thời điểm nắng nóng, trẻ thường dễ nhiễm cúm, dễ chuyển nặng hơn. Các triệu chứng cũng tăng nặng dần, từ sốt cao, nôn ói rất nhiều, ăn uống kém đến lừ đừ, li bì.
Khi thời tiết dễ chịu, trẻ nhiễm cúm cần ít nhất 3-5 ngày hay một tuần để hồi phục. Tuy nhiên, với điều kiện oi bức, giao mùa, hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, thời gian hồi phục sẽ kéo dài lâu hơn.
Điều này khiến trẻ dễ bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến viêm phổi kèm theo. Do đó, tỷ lệ nhập viện vì triệu chứng nặng ở trẻ vào thời tiết nắng nóng nhiều hơn so với thời gian khác.
Tổng hợp (Vietnamnet, Zing, Dân trí)