- Tổng thống Joe Biden sẽ thực hiện chuyến thăm đến hai nước Nhật Bản và Australia vào tháng tới để thảo luận với các đồng minh về phản ứng tiếp theo của họ đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng như các cách đối phó với những động thái kinh tế và quân sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhà Trắng hôm qua (25/4) thông báo.
Tổng thống Joe Biden |
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm các nước phát triển G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 19-21/5. Sau đó, ông sẽ thực hiện chuyến công du đầu tiên với tư cách là Tổng thống Mỹ tới Australia. Trong chuyến công du đợt này, ông chủ Nhà Trắng sẽ có cuộc gặp trực tiếp lần thứ ba của cái gọi là lãnh đạo “Bộ tứ” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
“Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề toàn cầu cấp bách nhất, bao gồm sự ủng hộ vững chắc của G7 đối với Ukraine, giải quyết các cuộc khủng hoảng kép về lương thực và khí hậu, đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, đồng thời tiếp tục dẫn dắt quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại đất nước của mình và cho các đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới,” bà Karine Jean-Pierre cho hay.
Tại cuộc họp của nhóm Bộ Tứ vào ngày 24/5, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Nhóm Bộ Tứ được thành lập vào năm 2007 để củng cố quan hệ kinh tế và an ninh giữa bốn nền dân chủ như một biện pháp kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bộ Tứ đã được khởi động trở lại dưới thời Tổng thống Donald Trump một thập kỷ sau đó, và được nâng lên thành cuộc họp cấp lãnh đạo thường xuyên trong nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Biden.
“Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ sẽ thảo luận về cách họ có thể tăng cường hợp tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, sức khỏe toàn cầu, biến đổi khí hậu, nhận thức về lĩnh vực hàng hải và các vấn đề khác quan trọng đối với người dân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Jean- Pierre cho biết.
Cuộc gặp với Thủ tướng Modi diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về một đất nước Ấn Độ ngày càng thân thiết với Nga. Giới chức Mỹ muốn nhằm thúc ép Ấn Độ tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.