- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chiều qua (24/4) đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình để xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Tại cuộc họp, Bộ TN&MT (cơ quan soạn thảo) đã báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến Thành viên Chính phủ về một số nội dung: Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất hằng năm; thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, an ninh; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hình thức giao đất, cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập; trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê đất; trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất liên quan đến các đối tượng thuốc lực lượng vũ trang; sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc thoả thuận về quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện đối với doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn; quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã báo cáo phương án tiếp thu ý kiến về quy định xây dựng bảng giá đất hằng năm; điều tiết giá trị thu được từ đất giữa các địa phương, chênh lệch giá trị đất giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; giao đất không thu tiền hoặc cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập; phương thức đấu giá, đấu thầu, thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội;…
Lãnh đạo các bộ, ngành cũng góp ý về các quy định về giao đất cho các tổ chức tôn giáo, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, việc thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất với các tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài; chế độ sử dụng đất đa mục đích; định hướng quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong tình huống đột xuất, bất ngờ…
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đóng góp vào từng điều, khoản, chương cụ thể, "tập trung vào những vấn đề lớn, đòi hỏi các bộ, ngành cùng thống nhất phương án tiếp thu".
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến làm rõ thêm hướng xử lý mối quan hệ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Đáng chú ý đối với quy hoạch giao thông, các công trình giao thông, dự thảo Luật cần thiết kế theo hướng tạo quỹ đất phát triển các khu đô thị, tái định cư, các công trình hạ tầng giao thông theo các hướng tuyến giao thông.
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo nắm vững quan điểm quy hoạch tái định cư đi trước khi triển khai một hoặc nhiều dự án, theo nguyên tắc "bảo đảm công bằng, cố gắng tái định cư ngay tại chỗ, nơi tái định cư có điều kiện tương tự hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đã thống nhất, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà |
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay sau đó, các cơ quan hữu quan đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.
Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật" được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến, chiếm 9.93%.
Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến.
Tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 951.748 ý kiến.
Chế độ sử dụng đất: 915.486 ý kiến.
Thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến.
Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến.
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: 871.653 ý kiến.