Thủ tướng chỉ đạo thực hiện loạt dự án giao thông quan trọng quốc gia

0
0

 - Tại cuộc họp kiểm điểm kết quả phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương đối với từng dự án...

Ngày 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã chủ trì họp phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm kết quả phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong nhiệm kỳ 2021-2026, Nhà nước bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho phát triển giao thông. Các công trình, dự án được phân bổ rộng khắp từ Nam tới Bắc, với các dự án giao thông trục Bắc-Nam, Đông-Tây và kết nối 6 vùng kinh tế-xã hội. Do đó, Ban Chỉ đạo phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công nói chung và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược nói riêng, bởi đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó, đô thị, dịch vụ phát triển đến đó; không có đường thì không thể phát triển công nghiệp được.

"Nhà nước đã bố trí vốn; có các cơ chế, chính sách; quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; vấn đề thúc đẩy các công trình, dự án nằm ở khâu tổ chức thực hiện", Thủ tướng lưu ý.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện 31 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với khoảng 73 dự án thành phần thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo gồm các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không.

Trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Nam - Bắc, các dự án cao tốc trục Đông - Tây và kết nối 6 vùng kinh tế - xã hội, đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, TPHCM; các dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và TPHCM; dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3- Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thúc đẩy để các công trình, dự án.

Theo đó, giải phóng mặt bằng vẫn là "điểm nghẽn" của các dự án, trong đó có cả việc giải phóng mặt bằng một số công trình nằm ngoài dự án song phải di dời; việc cung cấp vật liệu xây dựng, cát phục vụ đắp nền một số tuyến cao tốc, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cần được phân bổ khẩn trương, linh hoạt hơn; một số dự án khó khăn về vị trí đổ thải và đất tạm phục vụ thi công; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chậm do thủ tục; việc điều chỉnh nguồn vốn một số dự án chậm do liên quan nhiều cơ quan, thủ tục kéo dài; đặc biệt, trong triển khai nhiệm vụ, còn có tình trạng né tránh trách nhiệm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các nhiệm vụ đối với từng nhóm dự án thể để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị căn cứ thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, đối với nhóm dự án chưa duyệt dự án đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đã được giao. Riêng dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, xem xét lại mức đầu tư.

Đối với nhóm dự án đã duyệt dự án đầu tư (3 cao tốc trục ngang gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TPHCM), Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp và hướng dẫn; 14 tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công trước ngày 30/6/2023.

Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương 8 tỉnh, thành phố (Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục ngang, đã tích cực vào cuộc để triển khai dự án, nhất là giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương này khẩn trương triển khai các thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bảo đảm nguồn vốn triển khai các dự án.

UBND tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh khẩn trương hoàn thành các thủ tục để phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần thuộc đường vành đai được giao làm cơ quan chủ quản.

Đối với nhóm dự án đang thi công, trong đó 3 dự án cao tốc dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4/2023 (gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo), Bộ GTVT phải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp", tăng cường trang thiết bị nhân lực để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ - mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh, môi trường, không đội vốn bất hợp lý.

Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo đẩy nhanh thi công các dự án bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để chọn được nhà thầu có năng lực thực sự thực hiện dự án. Kinh nghiệm cho thấy nếu các dự án không chọn được nhà thầu tốt thì sẽ dẫn tới kéo dài, đội vốn, lãng phí, nguy cơ sai phạm…

Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT phối hợp và hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng tiến độ thi công. Cùng với đó, Bộ GTVT khẩn trương xem xét, giao chủ đầu tư dự án đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành đảm bảo tiến độ hoàn thành đồng thời với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, các địa phương có liên quan khẩn trương tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh diện tích đất rừng, đất lúa liên quan dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT đẩy nhanh tiến độ thẩm định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương; thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; xem xét đề xuất, bổ sung, thực hiện thủ tục giao vốn cho các dự án đường bộ cao tốc.

Bộ Tài chính trao đổi với các đối tác, nhà tài trợ, phối hợp các cơ quan liên quan để trao đổi về Hiệp định vay cho khoản vay lần 4 dự án Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Bộ Xây dựng sớm có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 4 Hà Nội, phối hợp với Bộ GTVT trong việc kiểm tra các điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa 3 dự án thành phần cao tốc vào sử dụng; kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong công tác công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng.

Bộ TN&MT hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, đáp ứng tiến độ các dự án…

Bộ NN&PTNT nghiên cứu rà soát các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo đảm rút ngắn thời gian triển khai, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo tổ chức đấu thầu thành công, lựa chọn nhà thầu phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu các cảng hàng không, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.

UBND các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La rà soát lại quy mô đầu tư các dự án đường bộ cao tốc để kịp thời có các đề xuất điều chỉnh. UBND thành phố Hà Nội, TPHCM đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên để sớm đưa vào khai thác các đoạn đủ điều kiện.

Đối với 12 tỉnh, thành phố có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đi qua, tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù; xem xét bố trí tạm cư cho người dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư, thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công; phối hợp với các chủ đầu tư ưu tiên triển khai trước các vị trí tiếp cận công trường, các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu, các vị trí "xôi đỗ", xen kẹp, các vị trí thi công xây dựng các công trình cầu, hầm; đẩy nhanh các thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm tổng hợp khả năng cung cấp vật liệu cát đắp làm cơ sở để Bộ TN&MT phân bổ cho các dự án; sớm tổng hợp báo cáo chi tiết các vướng mắc, khó khăn trong công tác khai thác vật liệu xây dựng để Bộ TN&MT kịp thời hướng dẫn.

Các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng đầy đủ, kịp thời, chống đầu cơ, găm hàng, nâng giá, ép giá.

"Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm xử lý chính, giao mỏ trực tiếp cho các chủ đầu tư, nhà thầu. Các địa phương chia sẻ khó khăn về vật liệu, cùng thực hiện các dự án vì mục tiêu chung, không cục bộ địa phương, bởi đoạn này xong nhưng đoạn qua tỉnh khác chưa xong thì cũng không thể thông tuyến", Thủ tướng nhấn mạnh.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Giá vàng thế giới giảm, vàng nhẫn tròn trơn bật tăng

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (29/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều giảm nhẹ. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu lại bật tăng 200 nghìn đồng/lượng.

Việt Nam: Điểm nóng mới của thị trường trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương

(VnMedia) - Trên bản đồ thị trường trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, được thúc đẩy bởi các sáng kiến của Chính phủ và nhu cầu tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài. 

Đã có hơn 12 triệu lượt sử dụng VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID - BHXH số

(VnMedia) - Từ ngày 1/7 tới, tài khoản định danh điện tử VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử. BHXH Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực để triển khai thống nhất tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

VNPT tặng iPhone 15 cho khách hàng đăng ký dịch vụ qua oneSME

(VnMedia) - Khi khách hàng hoàn thành mua các sản phẩm có giá trị từ 100.000 VNĐ trở lên trên oneSME trong thời gian diễn ra chương trình ưu đãi sẽ nhận được một mã dự thưởng để tham gia chương trình bốc thăm may mắn…

Giá vàng thế giới bật tăng, vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục giảm

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (28/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã bất ngờ đảo chiều giảm tới hơn 28 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu cũng để mất 100 nghìn đồng/lượng.