- Tuần trước, Ả-rập Xê-út và Iran đã chính thức làm ấm trở lại mối quan hệ đóng băng kéo dài 7 năm và thế giới phải cảm ơn Bắc Kinh vì đã làm trung gian hòa giải, giúp tạo ra bước đột phá này. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận và đánh giá cao thành công này của Trung Quốc.
Sau những bước tiến ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông, nhiều người ở phương Tây lo ngại rằng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực sẽ tạo thành mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ trong dài hạn và là dấu hiệu cho thấy sự suy tàn của siêu cường số 1 thế giới.
Thành công của Trung Quốc không phải là dấu hiệu cho thấy tham vọng lật đổ Mỹ trong khu vực mà thay vào đó là kết quả trực tiếp có được từ việc quan sát chính sách Trung Đông của Mỹ trong 20 năm qua và điều chỉnh cách tiếp cận của Bắc Kinh cho phù hợp. Vì vậy, thành tựu của Trung Quốc ở Trung Đông không nên được xác định thông qua vai trò trung gian cho thỏa thuận làm ấm lại mối quan hệ giữa Ả-rập Xê-út và Iran mà phải là thông qua việc nước này tránh được những sai lầm của Mỹ trong 30 năm qua.
Sai lầm đầu tiên của Mỹ là các mục tiêu vươn xa quá mức: cố gắng tìm cách áp đặt ý chí chính trị của mình đối với khu vực bằng vũ lực và mở rộng sự can dự của mình vào Trung Đông vượt ra ngoài phạm vi phục vụ lợi ích kinh tế và an ninh của mình. Ngược lại, Trung Quốc rất rõ ràng về lợi ích của nước này ở Trung Đông và quan trọng hơn là những giới hạn của họ.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và Ả-rập Xê-út là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Xê-út, chiếm 38,3 tỷ USD, tương đương 27,8% thị trường dầu thô của Ả-rập Xê-út vào năm 2021. Tương tự, Trung Quốc chiếm 30% tổng kim ngạch ngoại thương của Iran trong 2022.
Cũng giống như trước đây, sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tập trung vào lợi nhuận và an ninh năng lượng. Trong Thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm của Trung Quốc và Iran, Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng đầu tư 400 triệu USD vào nền kinh tế của Iran, cung cấp một cứu cánh rất cần thiết cho quốc gia bị trừng phạt nặng nề, để đổi lấy quyền tiếp cận các cảng của Iran và dầu thô giảm giá.
Trên thực tế, hầu hết các khoản đầu tư trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Đông đều xoay quanh việc đảm bảo thương mại tự do ở Trung Đông và nguồn cung cấp năng lượng ổn định, chứ không phải an ninh. Việc xây dựng cảng hoặc khu công nghiệp ở Oman hoặc Ai Cập không phải là ngẫu nhiên và cũng không có giá trị quân sự. Tuy nhiên, những cảng này được tập trung xây dựng ở những nút thắt dễ bị tổn thương, giúp Trung Quốc có nguồn cung dầu ổn định: Vịnh Ba Tư, Vịnh Oman, Biển Đỏ, Eo biển Bab al-Mandeb, Eo biển Hormuz và Kênh đào Suez.
Sai lầm thứ hai của Mỹ là chọn một bên, ngoan cố cam kết theo đường lối cứng rắn chống lại Iran và gia tăng sức ép với Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ sự hạn chế này trong nền chính trị ý thức hệ, duy trì được việc hợp tác với cả Iran với Ả-rập Xê-út mà không khiến hai nước này cảm thấy phật lòng.
Vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc ngày nay không phải là xoay trục một cách quyết liệt, mà là sự tiếp nối chính sách đã có từ trước của Trung Quốc về cách tiếp cận bạn bè với tất cả các nước. Trung Quốc đã đảm bảo rằng Ả-rập Xê-út và Iran đều biết việc đầu tư của Trung Quốc chỉ là đầu tư, không phải là sự chứng thực chính trị hay cam kết an ninh như cách Mỹ làm.
Sự phân chia rõ ràng này giúp Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn để hợp tác với các đối thủ và đạt được những gì Mỹ không thể. Tuy nhiên, hãy làm rõ: Trung Quốc không phải là đạt được điều mà không thể đạt được, thực chất nước này cũng có những thuận lợi nhất định. Cụ thể, Ả-rập Xê-út và Iran đã đàm phán trong nhiều năm, với Iraq đóng vai trò trung gian hòa giải, vì Ả-rập Xê-út nóng lòng muốn thoát khỏi cuộc chiến ủy nhiệm ở Yemen. Ngoài ra, kể từ năm 2021, mục tiêu đã nêu của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là cải thiện quan hệ của Iran với các nước láng giềng trong khu vực.
Thỏa thuận mà Trung Quốc làm trung gian đã không giải quyết được các vấn đề của thế giới một cách kỳ diệu hoặc xóa bỏ hàng thập kỷ căng thẳng. Những gì Trung Quốc đạt được là một thỏa thuận đối thoại: điều mà cả Ả-rập Xê-út và Iran đều quan tâm đến. Vì vậy, không nên thổi phồng tầm quan trọng của việc Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận như vậy khi cả hai bên đều có lợi ích nhất định trong việc đạt được thỏa thuận.
Sai lầm thứ ba của nước Mỹ là đặt la bàn đạo đức vào các vấn đề kinh tế của mình. Mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là cuộc chiến giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên quyền nhằm theo đuổi một trật tự thế giới tự do. Đây là một điều nguy hiểm, đặc biệt là khi các khách hàng người Mỹ bên ngoài phương Tây ngày càng mệt mỏi với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và những nhượng bộ nhân quyền bị ép buộc.
Mặt khác, Trung Quốc tìm kiếm các đối tác sẵn sàng đồng ý với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau – một cách tiếp cận được chào đón trong bối cảnh nhiều đối tác của Mỹ bị mắc kẹt trong cái gọi là đạo đức. Trung Quốc sẵn sàng làm ăn kinh doanh với các quốc gia mà không thăm dò, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ và Bắc Kinh mong muốn điều tương tự từ các đối tác.
Trong hai mươi năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến Mỹ rút cạn tài nguyên, tham gia các cuộc chiến tranh không hồi kết và đối mặt với những nguy cơ khi tìm cách áp đặt ý chí chính trị của mình vào một khu vực không có sự đồng thuận. Trung Quốc không muốn lặp lại những sai lầm đó.