- Các Đại sứ của Mỹ, Anh và Canada tại thủ đô Moscow đều bị Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (18/4) triệu tập đến để phản đối . Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc các đại sứ này can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Động thái giận dữ của Moscow được khơi mào bởi những bình luận của các quan chức ngoại giao ba nước Mỹ, Anh và Canada về bản án dành cho nhà hoạt động đối lập Vladimir Kara-Murza - người hôm 17/4 bị Nga kết tội phản quốc và vu khống quân đội.
Đại sứ Mỹ Lynne Tracy (bên trái), Đại sứ Anh Deborah Bronnert (ở giữa) và Đại sứ Canada Alison LeClaire (bên phải) |
Một người mang hai quốc tịch Nga-Anh - ông Kara-Murza đã bị tòa án Moscow kết án 25 năm tù. Đại sứ của Mỹ, Anh và Canada tại Moscow đã công khai ra một tuyên bố chung, trong đó lên án quyết định của tòa án sau phán quyết và kêu gọi “trả tự do ngay lập tức” cho ông này.
“Tuyên bố chung mang đầy tính khiêu khích” của các đặc phái viên nhằm mục đích gây áp lực lên cơ quan tư pháp Nga và nó chẳng có gì ngoài “sự can thiệp trắng trợn vào các công việc nội bộ”, Bộ Ngoại giao Nga gay gắt chỉ trích trong một loạt phát ngôn được đưa ra ngày hôm qua (18/4) về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những nỗ lực của Washington và các đồng minh nhằm công khai ủng hộ một “tác nhân gây ảnh hưởng” do Mỹ hậu thuẫn thực sự rất “lố bịch và đạo đức giả” trong bối cảnh đang diễn ra tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận ở ngay chính nước Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm “gây chia rẽ” trong nội bộ xã hội Nga đều sẽ bị ngăn chặn, đồng thời Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh thêm rằng các nhân viên đại sứ quán sử dụng vỏ bọc ngoại giao của họ cho “các hoạt động gây rối” như vậy đều sẽ bị trục xuất khỏi nước Nga.
Hôm thứ Hai (17/4), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Đại sứ các nước Mỹ, Anh và Canada, miêu tả đó là hành động mang tính "đạo đức giả đáng xấu hổ". Bà Zakharova đã chỉ ra "sự đối xử vô nhân đạo" của hệ thống tòa án Anh đối với người đồng sáng lập Wikileaks Julian Assange.
Ông Assange đã bị giam giữ tại Nhà tù Belmarsh được bảo mật tối đa của Vương quốc Anh kể từ năm 2019, khi Washington thúc ép dẫn độ nhà báo này để xét xử ông về những tội danh có thể khiến ông bị kết án 175 năm tù.
Bà Zakharova kêu gọi Vương quốc Anh hãy từ bỏ “các thói quen kiểu thực dân mới” trong ngoại giao và nhấn mạnh rằng những nỗ lực gây áp lực buộc các thẩm phán Nga đưa ra một số quyết định nhất định “chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu”.
Ông Kara-Murza - người có hộ khẩu thường trú tại Mỹ, từng là Phó Chủ tịch của Tổ chức Nước Nga Tự do có trụ sở tại thủ đô Washington. Đây là một nhóm gây áp lực do Mỹ hậu thuẫn và tài trợ nhằm thúc đẩy một cuộc “thay đổi chế độ” ở Moscow. Ông Kara-Murza bị buộc tội phản quốc và hợp tác với các tổ chức “không mong muốn” có liên quan đến các thế lực nước ngoài thù địch với nước Nga.
Với việc ông Kara-Murza mang hai quốc tịch Anh-Nga, London cũng đã chính thức triệu tập Đại sứ Andrey Kelin - Đại sứ Nga tại Anh để phản đối về phán quyết mà tòa án Nga đưa ra. London gọi phán quyết đó là “có động cơ chính trị”.