- Ngày 29/4, tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành các dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160 km thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát dọc tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây vừa được khánh thành và kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết đang được gấp rút hoàn thành.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).
Ngoài 2 dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây vừa được khánh thành, các dự án thành phần Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15 km) và Cam Lộ-La Sơn (98 km) đã đưa vào khai thác trước đó.
Còn dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài hơn 100 km) và dự án Nha Trang-Cam Lâm (dự án PPP, dài 49 km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023. Dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn (dài 43,28 km), dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (dài 50 km) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 cùng đường dẫn hai đầu (dài 6 km) dự kiến hoàn thành quý III và IV năm 2023. Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49 km) và dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.
2 dự án vừa khánh thành đều do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng.
Dự án giúp rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.
Dự án Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây. Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng.
Dự án giúp rút ngắn hành trình từ TPHCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Chính thức tuyên bố khánh thành các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Đây là những đoạn tuyến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận-TPHCM, giữa Hà Nội-Ninh Bình-Thanh Hóa và các địa phương khác, kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và khu vực miền Trung, TPHCM với khu vực miền Trung. Việc đưa vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ.
Theo Thủ tướng, hành lang vận tải Bắc-Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế-vận tải huyết mạch của đất nước.
Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố và chúng ta đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km. Với 2 dự án vừa được khánh thành dài 160 km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc-Nam đạt khoảng 800 km và dự kiến sẽ đạt khoảng 950 km khi các đoạn Phan Thiết–Vĩnh Hảo, Cam Lâm–Nha Trang hoàn thành trong tháng 5 tới.
Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km cao tốc và tới năm 2030, có khoảng 5.000 km cao tốc. Theo Bộ GTVT, tính cả các tuyến đường trục ngang và tuyến Bắc-Nam, đến nay, cả nước đã hoàn thành 1.580 km cao tốc, trong đó giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1.163 km và chỉ riêng 3 năm gần đây đưa vào khai thác 416 km. Như vậy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, chúng ta phải hoàn thành gần 1.500 km cao tốc nữa. Cùng với đó, chúng ta đang nghiên cứu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tiếp tục xây dựng các sân bay, cảng biển…
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khối lượng công việc rất lớn, rất nặng nề, với yêu cầu rất cao, phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án để làm bài học cho các dự án sau này.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam vào khai thác đúng kế hoạch, nhất là tuyến Phan Thiết-Vĩnh Hảo và Cam Lâm-Nha Trang; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các dự án cao tốc trục Đông-Tây, các dự án Vành đai TPHCM và Hà Nội; Bộ GTVT chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh hơn nữa các dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP, đầu tư công.
Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, nhất là những gia đình, những người đã nhường mặt bằng cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống ổn định, tốt hơn, nhất là sinh kế của người dân; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay có ý thức chăm lo bảo dưỡng và bảo vệ các công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng cho công trình, ngày càng bền vững và an toàn tuyệt đối khi vận hành, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác.