- Các mối nguy hiểm nào trong không gian số khi có sự hỗ trợ của công nghệ. Xu hướng tích cực hay tiêu cực trong việc sử dụng tài nguyên số trên không gian số phụ thuộc vào các bạn trẻ. Đó là cơ hội và thách thức cho sinh viên, cho nhà trường và các nhà quản lý. Đây là nội dung được đề cập đến trong Hội thảo Khoa học Công nghệ “An ninh mạng trên không gian số – Xu hướng và cơ hội” diễn ra tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vừa qua với sự hỗ trợ của Tập đoàn NAVER và các chuyên gia về an ninh mạng hàng đầu tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia về an toàn bảo mật thông tin gồm: Chuyên gia Ngô Minh Hiếu (HieuPC) – Co-founder dự án ChongLuaDao.vn và Threat Hunter – Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia NCSC Việt Nam và Chuyên gia Ngô Tuấn Anh – CEO và Founder Công ty An ninh mạng thông minh SCS, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA)
Về phía Học viện, có sự tham gia của PGS.TS. Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện, đại diện Lãnh đạo các khoa, phòng, ban chức năng cùng các thầy cô và đông đảo sinh viên ngành an toàn thông tin và công nghệ thông tin.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Anh, Phó giám đốc Học viện đã khẳng định “Trong xu thế an ninh mạng đang ngày càng được quan tâm, chú trọng, Học viện luôn muốn mang lại nhiều cơ hội cho các thầy cô và các em sinh viên được trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng về an ninh mạng để bắt kịp xu hướng công nghệ và có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Do đó, hội thảo ngày hôm nay, với sự hỗ trợ của NAVER và các chuyên gia, là một sự kiện quan trọng, đóng góp đáng kể cho mục tiêu chung của nhà trường trong công tác đào tạo và nghiên cứu nói chung và trong ngành công nghệ và an toàn thông tin nói riêng”.
Tại buổi hội thảo, Chuyên gia Ngô Minh Hiếu (HieuPC) đã trình bày cho các bạn sinh viên các nội dung về hệ thống an ninh của một quốc gia, về mối nguy hiểm trong việc hỗ trợ của công nghệ, cụ thể là của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong việc tạo ra mã độc. Anh cũng trình bày một thử nghiệm cụ thể là sử dụng chatGPT trong việc tạo ra mã độc tống tiền, các email lừa đảo và kịch bản lừa đảo. Ngoài ra, anh cũng đưa ra một số cảnh báo đối với các sinh viên, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức trong việc an toàn bảo mật thông tin trong không gian mạng: Luôn luôn kiểm tra thông tin đăng trên mạng xã hội, cẩn thận khi cung cấp thông tin cho những người lạ trên mạng xã hội, luôn dùng nhiều mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau, nâng cấp việc bảo mật tài khoản của mình…. Chuyên gia Ngô Minh Hiếu được biết đến với biệt danh HieuPC, hacker mũ trắng là một trong những chuyên gia được sinh viên biết đến trước đây với nhiều “chiến tích”. Chính vì vậy, sinh viên ngành công nghệ đã rất hào hứng đặt câu hỏi trực tiếp cũng như online đối với anh.
Chuyên gia Ngô Tuấn Anh cũng đưa ra các nội dung về các giải pháp phòng chống lừa đảo trên không gian mạng ở không gian rộng hơn, chính là chính phủ, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho toàn xã hội. Giải pháp của anh Tuấn Anh đó là sử dụng hệ thống bảo mật điện toán đám mây do Safegate cung cấp để hạn chế các nội dung không an toàn trên không gian mạng. Hệ thống đã được triển khai tại 36 cơ sở giáo dục và đã bảo vệ được 14.000 học sinh, 700 cán bộ, giáo viên, 800 máy tính.
Đại diện cho đơn vị quản lý đào tạo, PGS.TS. Hoàng Xuân Dậu cũng chia sẻ về ngành học an toàn sinh viên cho các bạn sinh viên. Thầy khẳng định ngành học an toàn thông tin là ngành khó. Tuy nhiên, khi theo đuổi đam mê, có cách học tích cực thì sinh viên có rất nhiều cơ hội cho công việc sau này. Đặc biệt, đối với ngành học cần tăng cường môn tiếng Anh để có nhiều cơ hội hơn cho công việc liên quan đến công nghệ thông tin và bảo mật thông tin.
Sau phần trình bày của các chuyên gia, phần tọa đàm giữa các chuyên gia và sinh viên rất sôi nổi. Các bạn sinh viên đã rất hào hứng đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Đặc biệt, nhiều bạn quan tâm đến các cơ hội cho bản thân sau khi tốt nghiệp.