Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ

0
0

Ngày 18/4, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh; Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân.

Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ GDĐT, Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo UBND, Sở GDĐT và các Sở/ngành thuộc 5 tỉnh/thành phố vùng Đông Nam Bộ; Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.

Đến năm 2030, tầm nhìn 2045, giáo dục Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Vùng Đông Nam Bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, giáo dục của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp; tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều hạn chế…

“Hội nghị ngày hôm nay, Bộ GDĐT mong muốn sẽ cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng Đông Nam Bộ hiện nay; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Các địa phương đã quan tâm, mong muốn tiếp tục quan tâm hơn. Các Bộ, ngành sẽ tăng cường sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ để các địa phương thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của từng địa phương và của toàn vùng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2022, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng và cả nước. Tính đến nay, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 1.007 cơ sở so với năm học 2010 - 2011).

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục. Bên cạnh việc tham gia xã hội hóa giáo dục của các nhà đầu tư trong nước, công tác đầu tư giáo dục của nhà đầu tư nước ngoài tại vùng Đông Nam Bộ đang có những chuyển biến tích cực, một số trường mầm non, phổ thông nhiều cấp học, trường đại học có yếu tố nước ngoài đã được thành lập. Toàn vùng hiện có 1.671 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập (tăng 948 cơ sở giáo dục so với năm học 2010 - 2011).

Các địa phương đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi, tuy vậy một số chỉ tiêu vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ toàn vùng đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đứng thứ năm trong sáu vùng kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng dân số cơ học của vùng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp của vùng cao nhất cả nước, đặc biệt tỷ lệ học/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước.

Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng Đông Nam Bộ là 92,5%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng Đông Nam Bộ tăng dần hằng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội.

Giáo dục đại học của vùng ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Toàn vùng hiện có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Tỷ lệ sinh viên đại học đứng thứ hai toàn quốc, chỉ sau đồng bằng sông Hồng.

Bình quân hằng năm, có khoảng hơn 70.000 sinh viên và 6.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 86,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước). Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng là 29,5% (đứng thứ hai trong sáu vùng kinh tế - xã hội). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên của cả vùng khoảng 6,6%.

Giáo dục và đào tạo Đông Nam Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh/thành phố trong vùng sẽ tập tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; về chất lượng giáo dục các cấp học; về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; về hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Kiến nghị xem xét tinh giản biên chế giáo viên

Chia sẻ về mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Đó là bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục. Thành phố cũng tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/ 0.000 dân trong độ tuổi đi học. Phát huy hiệu quả trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế". 100% trường học trên địa bàn Thành phố phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

 

Về đội ngũ giáo viên, Thành phố sẽ xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp. Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên, gắn việc đào tạo trong các trường sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học; thực hiện đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng; sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có.

Để phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề cập tới 5 giải pháp của địa phương này gồm: Thực hiện quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển giáo dục và đào tạo đảm bảo bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi. Đảm bảo quy hoạch quỹ đất cho phát triển giáo dục và đào tạo. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Để hỗ trợ giáo dục và đào tạo của vùng và địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị các Bộ ngành xem xét, tham mưu không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm đảm bảo đội ngũ đáp ứng nhu cầu học sinh tăng hàng năm rất cao. Bộ GDĐT sớm tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giáo dục đào tạo tạo giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045; Quy hoạch mạng lưới đại học, mạng lưới các trung tâm giáo dục hòa nhập đến năm 2030 theo Luật Quy hoạch để làm cơ sở cho các địa phương phát triển các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc thù của tỉnh và tính liên kết của vùng.

Trao đổi về một số vấn đề đang đặt ra với giáo dục Bình Phước, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Vấn đề của giáo dục Bình Phước hiện nay là thiếu cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị; thiếu giáo viên, còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn, chưa cân đối về cơ cấu; chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để phát triển giáo dục ngoài công lập; chưa có trường đại học đóng trên địa bàn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng gặp khó khăn.

Xem xét việc tinh giản biên chế giáo dục; chế độ chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm mon đang công tác ở vùng sâu vùng xa; chế độ ưu tiên cho học sinh khó khăn về tiếp cận sách giáo khoa mới; Bộ GDĐT quan tâm hỗ trợ Bình Phước quy hoạch phát triển giáo dục đại học… là những kiến nghị của tỉnh Bình Phước.

Khẳng định vị trí chiến lược quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đồng thời đồng tình với những giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Đông Nam Bộ được đề cập trong báo cáo của Bộ GDĐT, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm thêm một số vấn đề. Trong đó, chú trọng giải pháp về công tác quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao của các ngành, các cấp về tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển toàn diện con người Việt Nam thích ứng với thời đại và hội nhập quốc tế. chú ý giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng ở tất cả cấp học; lựa chọn một số lĩnh vực, địa bàn tập trung xây dựng phát triển giáo dục, đào tạo ở đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Dân số trẻ, khí thế trẻ, nhu cầu phát triển lớn -  cơ hội tuyệt vời cho giáo dục

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 5 vấn đề cấn tập trung để phát triển giáo dục và đào tạo. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục, chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phương thức dạy và học… trên cơ sở khoa học, dân chủ, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Ngành giáo dục phải quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục các cấp trên cơ sở quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương, có đủ không gian giảng dạy dạy kiến thức văn hoá, thể dục thể thao, đào tạo nghề… nhằm phát triển toàn diện năng lực, kỹ năng của học sinh; định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần phát hiện và đào tạo nhân tài.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Về phát triển đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng cho rằng cần "đi trước một bước "trong đổi mới nội dung, mục tiêu, phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức, để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Về vấn đề chính sách xã hội hoá giáo dục, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Nhà nước chỉ đầu tư, quản lý những gì cần quản lý, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đổi mới chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu liên thông trong hệ thống giáo dục, dạy nghề (trung cấp nghề nghiệp, cao đẳng lên đến đại học, sau đại học) để khuyến khích học tập suốt đời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thế giới kết nối, chia sẻ, ngành giáo dục phải phát huy nội lực, chú trọng thu hút các nhà khoa học, nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy ngoại ngữ - đây là "giấy thông hành", "hành trang" để lao động Việt Nam hội nhập ra thế giới.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GDĐT đã triển khai 3 Hội nghị phát triển giáo dục và đào toạ vùng tại 3 Tây (Tây Bắc - Tây Nam Bộ - Tây Nguyên). Theo đó, câu chuyện giáo dục của 3 Tây là phổ cập, nâng cao dân trí, vấn đề vai trò của nhà nước, thực hiện công bằng giáo dục, đó là vấn đề kiên cố hoá trường học, các chính sách ưu tiên, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Với miền Đông Nam Bộ, theo Bộ trưởng, đây là khu vực nhu cầu học tập lớn,  nhu cầu học tập với chất lượng bậc cao. Đây là khu vực bao gồm cả những nấc thang cao nhất của giáo dục, cả những phần thấp nhất của giáo dục. Ở đây vẫn còn tỷ lệ người mũ chữ, vẫn còn lớp học tình thương dành cho con em người lao động không có chỗ học.

“Nói tới vùng 3 Tây sẽ thấy thuận cho dạy người, khó cho dạy nghề và rất khó về nhân tài. Còn vùng này thuận cho dạy nghề, tốt cho nhân tài nhưng đầy thách thức cho dạy người”, Bộ trưởng nhận định.

Cho rằng, câu chuyện giáo dục ở vùng nào cũng có 3 phương diện: nhân, nhân lực, nhân tài, Bộ trưởng phân tích: Trong vấn đề “nhân”, giáo dục dạy người vùng nào cũng quan trọng, có yêu cầu giống nhau như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định những phẩm chất, năng lực và giá trị cốt lói. Nhưng riêng với Đông Nam Bộ cần phải chú ý thêm một điểm giáo dục con người.

“Chúng ta cần tạo một lớp thị dân mới, những con người ở các đô thị với lối sống kỷ cương, tuân thủ pháp luật, những công dân số và biết sống văn minh trong môi trường đô thị. Cần phải giáo dục họ ngay từ trong quá trình chuyển từ nông thôn thành đô thị - đây là môt vấn đề trong sự dạy người của các tỉnh miền Đông”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đối với vấn đề nhân lực, Bộ trưởng lưu ý, cần làm tốt Chương trình giao dục phổ thông 2018, gốc của chất lượng nhân lực không đâu khác phải bắt đầu từ phổ thông. “Việc này các tỉnh đang làm tốt, cần cố gắng làm thật tốt hơn nữa”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng, trong vấn đề nhân lực của miền Đông thì nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ phải đặt thành hướng ưu tiên trọng tâm.

Còn đối với nhân tài, Bộ trưởng nhắc tới việc phải tập trung phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, kỹ thuật, khoa học, đổi mới, sáng tạo, quản trị, điều hành…

Đề cập tới những chữ “hoá” cần phải có trong thực hiện 3 tầng nhân - nhân lực - nhân tài, Bộ trưởng nhấn mạnh trước hết tới “hợp lý hoá” trong sắp xếp, cơ cấu hệ thống giáo dục các bậc học, đặc biệt là bậc đại học; bởi hiện nay, sự phân bổ các trường đại học ngay trong vùng không đồng đều, TPHCM tập trung quá nhiều, Tây Ninh, Bình Phước không có - đây là sự bất hợp lý cần sắp xếp lại. Bên cạnh đó là phát huy xã hội hoá, quốc tế hoá, hiện đại hoá, số hoá, phổ cập hoá.

“Miền Đông Nam Bộ có số lượng người trẻ, dân số trẻ, khí thế trẻ, sự phát triển với nhu cầu cao. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho giáo dục, phải thấy đây là niềm vui lớn, cơ hội tuyệt vời cho các nhà giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.