Hôm qua (7/4), khoảng 90.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, Toán trong đợt khảo sát kiến thức, đánh giá chất lượng học sinh. Kỳ thi tổ chức nghiêm ngặt, khách quan nhằm giúp học sinh tập dượt trước khi bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra vào tháng 6 tới.
Hôm nay, học sinh tiếp tục bài thi môn Ngoại Ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Trước khi bước vào đợt thi, học sinh lớp 12 năm nay được học tập quy chế thi. Hà Nội quyết tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc để học sinh tập dượt như một kỳ thi thật. Học sinh được lưu ý ngồi đúng số báo danh, hướng dẫn cách tô đáp án trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, không được trao đổi, chép bài, sử dụng tài liệu… Trong trường hợp cần thiết, học sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi. Chỉ được mang vào phòng thi những vật dụng như: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, Atlat, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản…
Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) trong ngày thi thử tốt nghiệp THPT. Ảnh: Tiền phong |
Theo ghi nhận của PV, tại điểm thi Trường THPT Kim Liên, Hà Nội, học sinh có mặt từ sớm chờ giám thị gọi vào phòng thi với tâm thế làm bài nghiêm túc. Mỗi phòng thi xếp 24 thí sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng của học sinh cuối cấp nên từ đầu năm học đã chỉ đạo các nhà trường có kế hoạch ôn tập, kiểm tra, đánh giá học sinh. Số lượng học sinh Hà Nội dự thi rất đông đòi hỏi công tác chuẩn bị tổ chức phải công phu, tỉ mỉ các tình huống, trong đó có đợt thi thử.
Em Vương Gia Linh, lớp 12A1, cho biết qua ngày đầu tiên thi thử, đề không quá khó nhưng em vẫn hồi hộp. Vì trước đó trường cũng đã tổ chức 2 lần thi thử và kết quả của em chưa thật sự tốt để có thể đạt nguyện vọng 1. “Theo đuổi khối A nhưng Toán lại là môn em thấy khó nhất nhưng em hi vọng qua các lần tập dượt kiến thức, kỹ năng làm bài thi sẽ tốt hơn, tránh được những sai sót đáng tiếc”, Linh nói.
Em Vũ Thùy Dương, lớp 12A4 Trường THPT Trần Nhân Tông, nói rằng, đề thi môn Ngữ văn không bất ngờ, không gây khó cho em vì nội dung kiến thức đều nằm trong chương trình sách giáo khoa đã được học. Cấu trúc và độ khó tương tự đề thi tốt nghiệp THPT năm ngoái. Trong thời gian 120 phút, em hoàn thành khoảng 6 trang giấy. “Thời điểm này, em khá áp lực vì kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần trong khi cùng lúc chuẩn bị thi học kỳ, thi đánh giá năng lực. Do đó, kết quả kỳ thi thử lần này sẽ đánh giá xem mình đã đạt được bao nhiêu điểm, cần bổ sung những gì để rèn thêm”, Dương nói.
Về đề thi Ngữ văn, cô Bùi Thu Hằng, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Việt Đức, nhận xét, độ khó cơ bản phù hợp với năng lực đại đa số học sinh và cấu trúc bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Những vấn đề đặt ra như yêu cầu học sinh viết đoạn văn về “tầm quan trọng của sự tự tin” vừa đơn giản vừa thiết thực, gần gũi trong đời sống. Yêu cầu phân tích đoạn thơ trong đoạn trích “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng không làm khó học sinh. “Với đề thi thử như vậy, nhiều học sinh sẽ đạt mức điểm 5-7 điểm, đồng thời cũng có sự phân hóa”, cô Hằng nói.
Cô H.T, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội), nhận xét đề thi thử của Hà Nội vẫn giữ nguyên cấu trúc như đề thi tốt nghiệp THPT năm ngoái. Nhìn chung, học sinh không bỡ ngỡ, không bị sốc vì đề khá cơ bản, dễ viết, phù hợp.
Học kỹ quy chế thi
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, nói rằng, tuy là đợt khảo sát kiến thức nhưng Sở GD&ĐT ra đề chung, tổ chức như một kỳ thi tốt nghiệp THPT thật. Phương thức thi Tốt nghiệp THPT năm nay không mới nhưng học sinh dự thi vẫn là đối tượng mới, do đó việc tập dượt và học kỹ quy chế thi là rất cần thiết. Đồ đạc cá nhân của thí sinh cũng được để ở nơi riêng biệt, cách xa phòng thi. “Trong ngày đầu tiên, học sinh chấp hành quy chế, đến đúng giờ và nghiêm túc hoàn thành các bài thi và không có vi phạm kỷ luật. Kỳ thi vừa tập dượt kiến thức vừa tập dượt kỹ năng”, bà Quỳnh nói.
Bà Phan Hà Thanh, thanh tra tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết, đợt thi thử được tổ chức nghiêm túc, học sinh vi phạm quy chế thi cũng sẽ bị kỷ luật như thi thật để các em tập dượt. Học sinh làm bài nghiêm túc, không vi phạm quy chế thi. Sau khi kết thúc đợt khảo sát, Hà Nội huy động giáo viên chấm chung, đảm bảo kết quả trung thực, khách quan.
Đánh giá đợt khảo sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với học sinh lớp 12, bà Thanh ví dụ, có những em học ban A, thời điểm này vẫn mơ hồ môn Ngữ văn. Sau đợt thi, được trả kết quả thấp, học sinh mới cuống cuồng lên học một cách nghiêm túc, bổ sung phần kiến thức thiếu hụt.
Bà Đặng Ngọc Tú, Phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, chia sẻ, đợt này trường có hơn 600 học sinh tham gia khảo sát. Về tổ chức, trường được giao chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, xây dựng quy trình, hướng dẫn học sinh tuân thủ quy chế. Đặc biệt, quy chế thi là điều bắt buộc học sinh, giáo viên phải nắm vững ngay từ bây giờ để tránh sai sót, vi phạm quy chế thi.
Theo bà Tú, ngay từ đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch dạy học, ôn tập cho từng giai đoạn cũng như kiểm tra thường xuyên, định kỳ để nắm được chất lượng học sinh. Đặc biệt, các tổ chuyên môn có trách nhiệm tìm hiểu các dạng đề thi tốt nghiệp, thi đánh giá năng lực của trường đại học để lồng ghép vào trong các bài dạy phù hợp. Do đó, đến kỳ thi, đa số học sinh đều tự tin với kiến thức, kỹ năng làm bài.
Theo Tiền phong
https://tienphong.vn/ha-noi-thi-thu-tot-nghiep-thpt-siet-quy-che-xu-ly-hoc-sinh-vi-pham-post1524293.tpo