- Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người, trong đó số tiếp nhận mới là 31.010 người; Số chuyển từ năm 2021 sang là 31.812 người; Số tái hòa nhập cộng đồng là 33.886 người.
Theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đàm Thị Minh Thu, trong hai năm 2021 - 2022, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tập trung vào các hoạt động hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chỉ đạo, hướng dẫn Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Bộ giao; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở; tiếp tục thực hiện việc thí điểm mô hình trợ giúp người bán dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Tại các địa phương, 100% các tỉnh, thành phố đều ban hành kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện tích cực các lĩnh vực về công tác PCTNXH.
Kết quả, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người, trong đó số tiếp nhận mới là 31.010 người; Số chuyển từ năm 2021 sang là 31.812 người; Số tái hòa nhập cộng đồng là 33.886 người.
Tại thời điểm 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đang tổ chức cai nghiện là 29.367 người.
Cũng trong năm 2022, các cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức tiếp nhận, điều trị, cai nghiện cho 171 người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó 53 người có quyết định cai nghiện bắt buộc của Tòa án và 118 người vào cai nghiện tự nguyện.
Số người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện và trong thời gian lập hồ sơ là 2.579 người. Hiện cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập; công suất tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 người.
Các cơ sở này hiện đang quản lý 478 người nghiện ma túy; 22 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thuộc ngành LĐTBXH quản lý tại 18 tỉnh, thành phố đang tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.218 người nghiện ma túy;
20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 3.656 người nghiện. 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, số người đã hoàn thành chương trình cai nghiện và được hỗ trợ, quản lý sau cai tại cộng đồng là 20.478 người.
Ảnh minh họa |
Hơn 22.000 lượt người bán dâm có nhu cầu hòa nhập cộng đồng
Về phòng, chống tệ nạn mại dâm, đội liên ngành 178 các địa phương đã kiểm tra 68.411 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 14.093 cơ sở vi phạm.
Trong đó, xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 4.266 cơ sở; phạt tiền 4.816 cơ sở với số tiền phạt 47 tỷ 515 triệu đồng; 320 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh; 39 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh; 4.652 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt khác.
Các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, tiêu biểu như: Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Tây Ninh.
Theo báo cáo của ngành công an, các lực lượng chức năng đã thực hiện 2.595 cuộc truy quét tại địa điểm công cộng và 1.673 cuộc triệt phá tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; 5.553 đối tượng vi phạm (trong đó, 2.158 người bán dâm, 2.093 người mua dâm; và các đối tượng liên quan khác).
Viện kiểm sát nhân dân đã khởi tố, điều tra đối với 1.088 vụ/1.576 bị can liên quan đến hoạt động mại dâm; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 975 vụ/1.410 bị cáo. Tòa án các cấp đã thụ lý, xét xử 1.004 vụ/1.463 bị cáo.
Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số người bán dâm có nhu cầu, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng là 22.532 lượt người. Trong đó có 436 người được hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm; 2.023 người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 04 người được vay vốn; 20.073 người được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe và cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV.
Về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo báo cáo của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, trong 2 năm, số người được tiếp nhận, xác minh là 627 người; xác định 365 người là nạn nhân bị mua bán. Trong đó, hỗ trợ cho 352 người có nhu cầu.
Cụ thể, 79 nạn nhân được bảo vệ an toàn, 285 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 216 nạn nhân được hỗ trợ chi phí đi lại, 131 nạn nhân được hỗ trợ y tế, 75 nạn nhân được trợ giúp pháp lý, 175 người được hỗ trợ tâm lý, 62 nạn nhân được trợ cấp khó khăn ban đầu, 10 nạn nhân được hỗ trợ vay vốn, 12 nạn nhân được hỗ trợ việc làm.