- Một vụ scandal đã nổ ra sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Paris đã có phát biểu tỏ ra hoài nghi về chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Latvia, Estonia và Litva đã cùng nhau lên tiếng phản đối gay gắt bình luận gần đây của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp và yêu cầu Bắc Kinh phải có lời giải thích chính thức về vụ việc này.
Trước đó, phát biểu trước giới truyền thông, Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye đã tỏ ra hoài nghi về cơ sở pháp lý cho chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Cụ thể, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình LCI của Pháp hồi cuối tuần vừa rồi, Đại sứ Lu đã thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay và tuyên bố rằng “các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trên thực tế không có vị thế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào cụ thể hóa tư cách của họ là một quốc gia có chủ quyền”.
Phát biểu trên của ông Lu ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của giới chức ba nước Baltic.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics hối cuối tuần vừa rồi đã lên Twitter bày tỏ sự phản đối bằng cách miêu tả phát biểu của Đại sứ Trung Quốc là “không thể chấp nhận được” và tiết lộ rằng Riga đã phối hợp với Tallinn và Vilnius để triệu tập đại biện lâm thời Trung Quốc tại ba nước vùng Baltic đến để gửi đi “yêu cầu có lời giải thích” từ phía Trung Quốc cho vụ việc nói trên trong ngày hôm nay (24/4).
Trong một bài đăng riêng rẽ khác, Ngoại trưởng Latvia Rinkevics viết rằng các nước mong đợi Bắc Kinh “rút lại hoàn toàn tuyên bố đó”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Estonia – ông Margus Tsahkna lên án phát biểu của Đại sứ Lu là “sai sự thật” và là “sự hiểu sai về lịch sử”. Ông Tsahkna nhấn mạnh rằng “các quốc gia Baltic theo luật pháp quốc tế đã có chủ quyền từ năm 1918 nhưng đã bị chiếm đóng trong 50 năm”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis lưu ý rằng phát biểu của nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy không thể tin cậy Bắc Kinh với tư cách là nhà trung gian hòa bình trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (23/4), Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh tình đoàn kết của nước này với các đồng minh NATO ở Đông Âu, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia vùng Baltic đã giành được độc lập “sau nhiều thập kỷ bị áp bức”.
Paris cũng nói rõ rằng họ mong muốn Bắc Kinh làm rõ quan điểm của mình về vấn đề này.
Ba quốc gia Baltic là một phần của Đế quốc Nga từ thế kỷ 18 cho đến cuộc cách mạng năm 1917. Latvia, Estonia và Litva tuyên bố độc lập một năm sau đó. Năm 1940, Liên Xô triển khai quân đội của mình tới ba quốc gia, nơi những người cộng sản địa phương lên nắm quyền. Các chính quyền mới chẳng bao lâu đã đưa ra yêu cầu chính thức để gia nhập Liên Xô.
Từ năm 1941 đến năm 1945, các quốc gia vùng Baltic bị Đức Quốc xã chiếm đóng.
Kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Riga, Tallinn và Vilnius đã khẳng định rằng những thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Liên Xô chẳng qua là một sự chiếm đóng bất hợp pháp – một miêu tả mà Moscow hoàn toàn bác bỏ.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng ba quốc gia này đã được Liên Xô sáp nhập theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế có hiệu lực vào giữa thế kỷ 20.