Bình Dương cần có sự đầu tư thực sự đột phá cho giáo dục

0
0

 - Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gồm Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc vỡi lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương. Tham dự có  Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện/thành phố.

Mỗi năm tăng bình quân 22.424 học sinh; tăng cường chính sách xã hội hoá giáo dục

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương: Giai đoạn 2011-2022, quy mô mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng đầu tư. Đến năm 2022 hệ thống trường, lớp các cấp học ngành GDĐT tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em nhân dân.

Năm học 2021-2022, cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên có tổng số học sinh là 497.180, tăng 269.084 học sinh so với năm học 2010-2011, tăng bình quân 22.424 học sinh/năm học, trong đó cấp tiểu học có số lượng học sinh tăng bình quân/năm học cao nhất (11.677 học sinh/năm học).

Do số lượng trẻ mầm non và học sinh phổ thông tăng nhanh, nhiều thị xã, thành phố trong tỉnh đã giải quyết được chỗ học cho học sinh nhưng chưa bảo đảm được việc bố trí số học sinh/lớp theo chuẩn quy định của Bộ GDĐT; đa số trường mầm non, tiểu học, THCS ở khu vực đô thị có số học sinh/lớp quá quy định.

Tính tới cuối năm học 2021-2022, tổng số giáo viên, cán bộ quản lý các cấp là gần 7000 người. Thiếu giáo viên đang là khó khăn lớn của giáo dục Bình Dương, đặc biệt là ở bậc mầm non. Nguyên nhân chủ yếu là do mạng lưới trường lớp tăng nhanh, áp lực công việc nhiều nhưng lương và chế độ hỗ trợ chưa hấp dẫn nên việc thu hút nguồn nhân lực và cũng do thiếu nguồn tuyển.

Tại buổi làm việc, các trao đổi từ phía Bộ GDĐT và tỉnh Bình Dương đều tập trung vào việc nêu khó khăn, cũng như đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề “nóng” về tăng học sinh, dẫn tới thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên hiện nay. Một trong những giải pháp quan trọng nhất được đề cập là chính sách xã hội hoá, tiếp tục mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập ở bậc mầm non, tiểu học.

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), trong số hơn 336 cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì cấp mầm non là 320 cơ sở, cấp tiểu học mới chỉ có 3 trường tư thục. Với con số tăng thêm mỗi năm bình quân khoảng trên 11.000 học sinh tiểu học, hệ thống trường công chỉ gồng gánh được thêm 1-2 năm nữa. Nếu tỉnh không có chính sách phát triển giáo dục tư thục ở cấp tiểu học thì 2-3 năm tới gánh nặng trường lớp với cấp học này sẽ rất lớn.

Cùng chung quan điểm về việc phải có chính sách phát triển hơn nữa giáo dục tư thục, ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) đề nghị tỉnh Bình Dương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, trong đó tính toán quỹ đất dành cho giáo dục. Trên cơ sở rà soát, sắp xếp và có đất, khi đó mới xây dựng đề án cơ sở vật chất. “Nếu không ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục thì khi có tiền sẽ không có đất để xây trường. Không ít địa phương đã rơi vào tình trạng này”, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất nói.

Theo chia sẻ của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, một năm tỉnh tăng thêm hơn 20.000 học sinh, trong khi ngân sách đầu tư của tỉnh chỉ đáp ứng dưới 50% nhu cầu tăng học sinh hiện nay. Còn theo đại diện Sở Tài chính, ngân sách bố trí chi thường xuyên hàng năm của tỉnh Bình Dương ở lĩnh vực giáo dục khá cao, chiếm khoảng 30% tổng chi.

Một trong những mục tiêu phát triển của giáo dục và đào tạo đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương là tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Chiến lược phát triển của tỉnh càng chi tiết, càng rõ định hướng phát triển giáo dục càng tốt"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để Bình Dương tiếp tục phát triển bền vững thì câu chuyện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh cần giải quyết thấu đáo, bài bản, chiến lược.

 

Phân tích về những ưu điểm và thuận lợi của giáo dục Bình Dương, Bộ trưởng nhận định: Mặc dù còn nhiều thách thức song giáo dục phổ thông đạt kết quả ấn tượng với chỉ số về thi tốt nghiệp THPT và một số chỉ số khác trong nhiều năm qua luôn đứng top đầu cả nước. Bình Dương là một trong số ít địa phương có tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp đạt 100%. Đây cũng là địa phương có nhiều chính sách, chỉ đạo ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Riêng về công tác xã hội hoá giáo dục, Bộ trưởng nhìn nhận, đây là một trong 3 địa phương làm tốt nhất công tác xã hội hoá với tỷ lệ hơn 70% cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.  “Với sự quan tâm của tỉnh, với tiềm năng tiềm lực thực tế, thời gian tới giáo dục Bình Dương chắc chắn sẽ vượt qua thách thức, có được kết quả tốt”, Bộ trưởng tin tưởng.

Chia sẻ với địa phương về sức ép gia tăng dân số, song Bộ trưởng cũng nhìn nhận lạc quan đây là cơ hội của giáo dục Bình Dương khi dân số trẻ và nhu cầu học tập của người dân lớn . “Hạnh phúc nhất của ngành giáo dục là có người đi học, mong muốn đi học. Người đi học có nhu cầu học cao sẽ là môi trường tuyệt vời của giáo dục, thúc đẩy hệ thống giáo dục chất lượng phát triển”, Bộ trưởng nói.

Một thuận lợi nữa của Bình Dương cũng được Bộ trưởng phân tích, đó là nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, kinh tế phát triển sẽ thuận lợi cho giáo dục. Việc ở cạnh TP HCM cũng giúp cho giáo dục được chia sẻ, tương hỗ và thuận lợi trong triển khai nhiều hoạt động giáo dục.

Ớ khía cạnh thách thức của giáo dục Bình Dương, Bộ trưởng nhấn mạnh tới tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên mà nếu không giải quyết tốt hơn nữa trẻ em, học sinh sẽ thiệt thòi. Ngoài ra, đó còn là thách thức trong giáo dục toàn diện, phát triển con người và khả năng kiểm soát chất lượng, an toàn cho hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ độc lập tư thục.

“Đây là những vấn đề cần xử lý trong thời gian tới”, Bộ trường nói, đồng thời đề nghị địa phương tập trung vào một số việc cụ thể. Theo đó, trong chiến lược phát triển chung của tỉnh càng chi tiết, càng rõ hơn định hướng phát triển giáo dục càng tốt. Việc dự báo sát nhu cầu của giáo dục và đào tạo sẽ giúp xác định được nguồn lực, cũng như chỉ đạo đầu tư.

Đánh giá cao tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục, song Bộ trưởng cũng mong muốn thời gian một vài năm tới tỉnh cân nhắc có sự đầu tư thực sự đột phá cho giáo dục. Bởi đây sẽ là thời điểm quan trọng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, rất cần các điều kiện về phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm sắp xếp mạng lưới, rà soát quy hoạch giáo dục các trường phổ thông, đại học, nâng cao chất lượng các bậc học; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, chăm lo, tạo điều kiện gắn với tăng cường kiểm soát hệ thống ngoài công lập, đảm bảo an toàn và chất lượng giáo dục.

Đối với giáo dục đại học, Bộ trưởng chia sẻ, tỉnh sẽ tăng cường quan tâm hỗ trợ đúng cách và đúng phương pháp. Trong đó, tăng cường vai trò của Đảng bộ trong các trường đại học. Tăng cường định hướng lựa chọn ngành nghề, chương trình đào tạo phục vụ tốt nhất cho phát triển của tỉnh, của vùng. Lưu ý các trường trong việc thu hút chuyên gia đầu ngành, nhân lực chất lượng cao đến công tác tại trường, thực chất là thu hút lực lượng trí tuệ, nhân tài về làm việc cho tỉnh.

Riêng với Trường Đại học Việt - Đức, Bộ trưởng mong muốn, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo, hỗ trợ suốt thời gian qua thì sẽ tiếp tục hỗ trợ trường phát triển nhanh hơn nữa. “Tỉnh hỗ trợ tối đa cho trường, trường phục vụ tối đa cho tỉnh”.

Một số việc lớn ngành Giáo dục đang triển khai như chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh, quản trị hiện đại… cũng được Bộ trưởng lưu ý với tỉnh Bình Dương. Trước mắt sắp tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, hơn 10.000 thí sinh Bình Dương sẽ tham gia kỳ thi, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm tổ chức tốt kỳ thi.

Định hướng dành 1000-1500 ha đất để phát triển giáo dục phổ thông, đại học

Cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ GDĐT với giáo dục và đào tạo Bình Dương, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý đề xuất tại buổi làm việc, sắp tới sẽ có kế hoạch để hiện thực hoá các chỉ đạo, đề xuất của Bộ.

Khẳng định sự quan tâm của tỉnh với giáo dục và đào tạo, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cho hay, tỉnh xác định đến năm 2030 đảm bảo tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương, trong đó phát triển giáo dục là ưu tiên. Sắp tới, tỉnh sẽ rà lại, sắp xếp quy hoạch  để phát triển giáo dục, nhất là về đất đai. Định hướng sắp tới sẽ dành 1000-1500 ha đất để phát triển giáo dục phổ thông, đại học.

Ngoài ra, Thường trực Tỉnh uỷ đã chỉ đạo có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các chính sách về phát triển đội ngũ giáo viên... “Bình Dương có quyết tâm chính trị cao. Mong Bộ GDĐT ủng hộ Bình Dương về quy hoạch phát triển giáo dục, hỗ trợ Bình Dương kêu gọi thu hút đầu tư xã hội hoá giáo dục”, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương nhấn mạnh. 

Tại tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến thăm, trao đổi, động viên cán bộ công chức Sở GDĐT tỉnh Bình Dương. Ghi nhận nỗ lực, đóng góp của cấp “thi công” các chính sách giáo dục, thực hiện công việc đổi mới giáo dục là Sở GDĐT, Bộ trưởng cũng qua Sở gửi tới đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh sự ghi nhận, đánh giá cao vì những đóng góp, vượt khó.

Chia sẻ về nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông đang được toàn ngành thực hiện với kết quả bước đầu, Bộ trưởng đề nghị Sở GDĐT tăng cường chăm lo cho đội ngũ nhà giáo thông qua xây dựng lực lượng và kiến nghị chính sách, để giáo viên vui với sự nghiệp dạy học, bởi đây là lực lượng quan trọng nhất cho đổi mới.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.