- Dự án "Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam" sẽ được khảo sát tại 10 bệnh viện của 4 tỉnh thành khu vực phía Nam gồm TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu từ tháng 9-2023 đến tháng 9-2024.
Ngày 19/4, Viện Pasteur TP.HCM có văn bản gửi sở y tế 4 tỉnh thành và 10 bệnh viện khu vực phía Nam đề nghị cho ý kiến về việc phối hợp triển khai dự án: "Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam". Thời gian thực hiện dự kiến đến năm 2024.
Mục tiêu của dự án là đánh giá hiệu quả của việc tiêm đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản và tăng cường trong phòng ngừa các ca Covid-19 từ 12 tuổi trở lên phải nhập viện hoặc tử vong tại Việt Nam. Bốn tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
10 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa thị xã Tân Uyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Cầu, Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu.
10 bệnh viện tại 4 tỉnh thành phía Nam sẽ tham gia đánh giá hiệu quả tiêm vắc xin - Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo kế hoạch, tổng số đối tượng tại tất cả các điểm tham gia khảo sát bệnh chứng xét nghiệm âm tính là 2.800 ca Covid-19 nằm viện và tuyển 3.200 ca chứng.
Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định ca bệnh bằng xét nghiệm rRT-PCR và giải trình tự gene xác định biến thể của SARS-CoV-2.
Kế hoạch này được ban hành trong bối cảnh số ca Covid-19 có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương trong đó có TP.HCM và Hà Nội.
Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc Covid-19 mới trong ngày tiếp tục tăng nhẹ, 27 trường hợp có chỉ định nhập viện điều trị. Trong số các ca nhập viện, 24 người bệnh phải thở oxy, không có trường hợp thở máy, hầu hết là người cao tuổi có bệnh nền.
TP.HCM đã ghi nhận của biến thể phụ XBB.1.5, miễn dịch cộng đồng với Covid-19 của người dân có xu hướng giảm. Cụ thể, vào tháng 9/2022, có 98,7% người dân có miễn dịch với SARS-CoV-2 nhưng nay giảm xuống còn 94,2%.
Trước bối cảnh trên, TP.HCM đã kích hoạt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn gồm người có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19.
Đồng thời, rà soát, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa đủ liều. Vận động, thuyết phục người dân, tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ, tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được.
Tổ chức tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ mũi cơ bản, đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ người thuộc nhóm nguy cơ tiêm mũi nhắc lại lần 2 dưới 80%.
Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác cần báo ngay cho trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị theo quy định.
Tổng hợp (Vietnamnet, Tuổi trẻ)