- Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, trong quá trình vận hành theo quy trình hiện nay có những vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thực tế diễn biến thủy văn…
Thủy điện Hòa Bình |
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, trong suốt 34 năm vận hành, thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ chống lũ, Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn vận hành đảm bảo an toàn công trình, điều tiết cắt nhiều trận lũ đảm bảo an toàn, giảm nhẹ thiên tai, trong đó có trận lũ lớn lịch sử năm 1996.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, việc khai thác hồ chứa Thủy điện Hòa Bình cơ bản đáp ứng an toàn cho công trình và hạ du, tận dụng được nguồn tài nguyên nước quý giá. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành theo quy trình hiện nay cũng có những vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thực tế diễn biến thủy văn.
Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, quy định mực nước hồ để cố định theo từng thời kỳ lũ, trong khi đó, tình hình thủy văn biến đổi bất thường, có năm lũ về sớm, có năm không có lũ vào mùa lũ chính vụ.
“Với quy định mực nước hồ cố định theo thời gian như hiện nay, nhiều năm lượng nước xả thừa qua tràn xả lũ tương đối lớn trong khi vào cuối mùa lũ rất khó khăn tích đầy nước hồ nếu không tiết giảm suất phát điện. Điều này gây tổn thất lớn về điện năng và thiếu nước phục vụ cho nông nghiệp vào mùa khô nhất là vụ Đông Xuân.” – ông Vương nêu ý kiến.
Theo ông Phạm Văn Vương, dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã có những sửa đổi, đặc biệt là nội dung xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa hướng tới theo thời gian thực góp phần tiết kiệm, tránh xả thừa lãng phí nước. Tuy nhiên, ông Vương đề nghị rà soát lại quy định về dòng chảy tối thiểu (khoản 17, Điều 3); điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước (điểm a, khoản 2, Điều 40).
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 42 quy định: Quy trình vận hành liên hồ chứa phải đảm bảo duy trình dòng chảy tối thiểu, phòng chống lũ lụt, hạn hán, thiếu nước cho hạ du và bố trí dung tích đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của hồ chứa, bao gồm cả dung tích phòng, chống lũ, an toàn cấp nước trong điều kiện thời tiết bình thường và thời tiết bất thường, biến động về nguồn nước có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, ông Phạm Văn Vương kiến nghị cần xem xét nội dung này vì nếu ràng buộc dung tích phòng lũ như vậy thì có thể mâu thuẫn với khoản 4 điều này, theo đó quy trình liên hồ chứa phải được xây dựng hướng tới việc vận hành theo thời gian thực.