- Vừa qua, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tổ chức chương trình chia sẻ, đối thoại với sinh viên về ChatGPT và tiềm năng ứng dụng AI. Chương trình thu hút hơn 400 sinh viên các khoa: Thương mại Điện Tử, Thống kê - Tin học cùng các ngành đào tạo có liên quan.
Đây là cơ hội để sinh viên được cung cấp những tri thức mới cùng những kinh nghiệm thực tiễn của chuyên gia đối với lĩnh vực giàu tiềm năng ứng dụng có thể đem lại các giá trị làm thay đổi phương thức sản xuất, tư duy học tập, nghiên cứu và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học và cả trong cuộc sống hàng ngày.
Tại Chương trình, chuyên gia đã giới thiệu về AI và ChatGPT, phân tích những điểm mạnh, mặt tích cực của công nghệ này dựa trên GPT3.5 - Mô hình Ngôn ngữ Lớn (LLM) của OpenAI, một kỹ thuật về AI Sáng tạo được thiết kế, vận hành dựa trên các kho dữ liệu văn bản khổng lồ của Internet.
Hào hứng tham gia Chương trình, sinh viênTrường ĐH Kinh tế-ĐHĐN đã đặt nhiều câu hỏi về lĩnh vực mới mẻ này như: Lĩnh vực nào của AI đang phát triển mạnh? Sinh viên cần tìm hiểu gì để có cơ hội thích ứng xu thế, ra trường có nhiều cơ hội việc làm trong bối cảnh phát triển nhanh chưa từng có của AI và BigData? Nếu các doanh nghiệp đầu tư vào ChatGPT thì xu thế tuyển dụng nhân lực trên thị trường sẽ ra sao? Sinh viên cần chuẩn bị hành trang, tư duy mới như thế nào ? Có thể sử dụng ứng dụng ChatGPT bằng cách nào để hỗ trợ việc học và nghiên cứu chủ động, hiệu quả nhất ?...
Những vấn đề mà SV đặt ra trở thành nội dung thảo luận cùng chuyên gia với phong cách cởi mở, thân thiện đã phần nào chia sẻ, giúp SV hiểu rõ hơn về AI và ChatGPT để có tư duy, khát vọng lớn, bắt kịp xu thế bằng sự nỗ lực và thái độ ngay trên giảng đường trong một thế giới phẳng của Cách mạng 4.0.
Các chương trình giao lưu với chuyên gia như Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN quan tâm, kết nối để tổ chức thực sự bổ ích bởi gắn với nhu cầu học hỏi, mong muốn được khám phá các xu thế công nghệ mới của sinh viên đã và đang được các trường, khoa của ĐHĐN chú trọng hướng đến để thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết với thực tế, giữa kiến thức trên giảng đường với tư duy, năng lực ứng dụng trong thực tiễn.