- Đây là một trong những mục tiêu đặt ra tại dự thảo Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Chiều tối ngày 29/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế, một số bộ, ngành liên quan, các chuyên gia về dự thảo Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, dự thảo Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; đổi mới tài chính y tế và bảo hiểm y tế; phát triển y tế gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh; tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và truyền thông cung cấp thông tin y tế; hoàn thiện hệ thống thể chế, tăng cường quản lý nhà nước về y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, so với Chiến lược giai đoạn 2011-2020, dự thảo Chiến lược giai đoạn này có một số điểm mới, đột phá.
Theo đó, nội dung nâng cao sức khỏe được đưa thành mục riêng và đầu tiên trong các nhiệm vụ chuyên môn của chiến lược; đề cập đầy đủ, toàn diện hơn đến các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe: Môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường…
Chiến lược dành ưu tiên cao nhất cho việc đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, "chìa khóa" để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong bối cảnh nguồn lực tài chính quốc gia còn hạn chế.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua tăng cường quản trị bệnh viện công, đổi mới phương thức thanh toán dịch vụ y tế, sử dụng hợp lý thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường các cơ chế giám sát quản lý và trách nhiệm giải trình; từng bước thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh; kết hợp du lịch với y tế, chăm sóc sức khỏe.
Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao năng lực để chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh về cơ sở hạ tầng và các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là hồi sức tích cực; tập trung mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa.
Công tác dân số được đổi mới theo hướng giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề y khoa chú trọng tới năng lực thực hành, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo Chiến lược cũng yêu cầu đổi mới cơ chế phân phối, cơ chế mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh chuyển đổi số y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phòng bệnh, khám chữa bệnh; mở rộng phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ ngoại trú tại y tế tuyến xã, phường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng, tại nhà…
Thuốc sản xuất trong nước phải đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng |
Thuốc sản xuất trong nước phải đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng
Liên quan đến vấn đề cung ứng thuốc, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2011 đến nay, ngành Dược đã bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Sản xuất thuốc mở rộng về quy mô với 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 18 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỷ USD.
Tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng duy trì ở mức dưới 2%. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 11/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hoạt động quản lý phân phối, cung ứng thuốc ngày càng được chuẩn hóa, chuyên nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường, thuốc đánh giá tương đương sinh học với thuốc phát minh (thuốc generic); chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc phát minh (biệt dược gốc).
Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Tiềm năng, thế mạnh về nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền chưa được phát huy. Thiếu nhân lực trong lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới; sử dụng thuốc trong điều trị chưa hợp lý...
Vì vậy, dự thảo Chiến lược cần hướng đến sản xuất thuốc phát minh, có dạng bào chế mới, hiện đại; tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm…
Một số mục tiêu cụ thể trong dự thảo Chiến lược bao gồm: Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; đáp ứng 100% nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng, 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ; chuyển giao công nghệ, sản xuất ít nhất 100 loại thuốc phát minh, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được…
Mục tiêu phải được cụ thể hóa thành các dự án khả thi
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chiến lược nhằm cụ thể hoá các nghị quyết của Trung ương về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vì vậy, quan trọng nhất là phải đưa ra lộ trình, giải pháp thực hiện, "bao nhiêu vấn đề đã được thể chế hoá", còn những điểm cần tiếp tục tháo gỡ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chiến lược phải có tầm nhìn, dự báo dài hạn, bao trùm, toàn diện mọi ngành, lĩnh vực liên quan đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
“Bộ Y tế cần xác định mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, việc gì cần ưu tiên, dự án nào triển khai trước, không dàn trải nguồn lực. Mục tiêu là chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân một cách toàn diện, không dừng ở mức độ khám, chữa bệnh", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng lưu ý, các mục tiêu đề ra trong dự thảo Chiến lược phải được cụ thể hoá thành các dự án khả thi.
Nhấn mạnh vai trò của Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất quan trọng đối với việc bảo đảm nguồn lực thực hiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh dự thảo Chiến lược không gói gọn các mục tiêu, giải pháp thực hiện trong lĩnh vực y tế mà đi kèm với việc đổi mới chính sách bảo hiểm y tế, đẩy mạnh tự chủ bệnh viện, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, kỹ thuật y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa y tế công lập và y tế tư nhân.