- Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực tham gia phòng thủ dân sự, thu hút nguồn lực xã hội hóa công tác phòng thủ dân sự.
Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Các báo cáo và ý kiến tại phiên họp đánh giá, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp; đại dịch COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng; biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về người tài sản; kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động kép từ bên ngoài và bên trong; phát sinh nhiều thách thức đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Theo thống kê từ 1/1/2022 đến 28/2/2023, thiên tai, sự cố đã xảy ra gần 8.000 vụ, gây thiệt hại lớn về người; riêng thiệt hại vật chất do thiên tai khoảng 5.065 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 22.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả 5.378 vụ, cứu được 5.385 người và 342 phương tiện; hướng dẫn hơn 480.000 lượt tàu thuyền với gần 2,3 triệu lượt người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, tổ chức di dời trên 32.000 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đại diện các Bộ ngành phát biểu tai phiên họp |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải góp phần quan trọng bảo vệ an ninh, an toàn, tính mạng, bình yên cuộc sống của nhân dân, tài sản của Nhà nước và cá nhân, góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả theo tinh thần Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Về các giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự, trình Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng; xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản dưới luật quy định cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự.
Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp. Xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với thảm họa, sự cố và nhiệm vụ phòng thủ dân sự năm 2023 sát với thực tiễn, phát huy tốt vai trò, chức năng thường trực phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn của cơ quan quân sự các cấp.
Đại diện các Bộ ngành phát biểu tai phiên họp |
Tập trung hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, trong đó lấy phòng ngừa là chính, xác định nhiệm vụ phòng thủ dân sự không chỉ của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp; nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động phòng thủ dân sự, phòng tránh thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến, tình hình thiên tai, sự cố của người dân.
Rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực tham gia phòng thủ dân sự, thu hút nguồn lực xã hội hóa công tác phòng thủ dân sự.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn, nhất là với các nước trong khu vực về ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng làm tốt vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Bộ Công an rà soát phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý nghiêm vi phạm trong ứng phó, khắc phục với các sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về phòng chống thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin về phòng, chống thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các sự cố, thiên tai; rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chủ động trong phòng ngừa với các sự cố, thiên tai, thảm họa.
Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó sự cố tràn dầu, khai thác khoáng sản...
Bộ Giao thông vận tải tăng cường quản lý hoạt động của các phương tiện vận tải, nhất là phương tiện vận tải khách, đảm bảo trước, trong và sau khi có sự cố, thiên tai xảy ra.
Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ cơ số thuốc dự phòng cần thiết; triển khai lực lượng khám chữa bệnh, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi trước, trong, sau khi có dịch, thiên tai.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng thủ dân sự. Bộ Xây dựng nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn hệ thống công trình phòng thủ dân sự lưỡng dụng tại đô thị, khu dân cư.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn bảo đảm kế hoạch đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ phòng thủ dân sự theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng đề án tổ chức, hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương; tham mưu về công tác đào tạo nhân lực và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông chính sách hiệu quả về công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trên tinh thần tích cực, chủ động, đi trước một bước.
UBND các tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự; khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch phòng thủ dân sự; lồng ghép nội dung phòng thủ dân sự vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.