- Thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao khiến gia tăng bệnh nhân mắc thủy đậu nhập viện. Mặc dù được xếp vào nhóm bệnh nhẹ nhưng bệnh vẫn có thể trở nên nghiêm trọng ở người bệnh không được chăm sóc y tế, không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Thời tiết thuận lợi cho virus thủy đậu lây lan
Bệnh thủy đậu do virus varicella-zoster lây truyền, chủ yếu khi thời tiết ấm nồm như mùa xuân, là thời điểm thuận lợi cho bệnh lây lan cấp tính. Virus có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với vùng phát ban. Hoặc virus lây lan khi người bị bệnh thủy đậu ho hoặc hắt hơi và người lành hít phải các giọt không khí chứa virus.
Hà Nội đã ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu ở Thường Tín, tổng cộng 2 tháng qua, huyện này có gần 130 ca mắc. Tại nhiều trường tiểu học, mầm non, có nơi 50% học sinh một lớp mắc bệnh truyền nhiễm này, khiến việc học gián đoạn.
Chị Hải Yến (quận Hà Đông, Hà Nội) phải nghỉ làm trông con trong bệnh viện suốt 1 tuần qua. Trường mầm non nơi con chị học có gần 10 trường hợp (cả học sinh và giáo viên) mắc thủy đậu. Trường thông báo tăng cường phòng, chống bệnh thủy đậu tới toàn thể phụ huynh.
Tuần trước, bé K.N (5 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) bắt đầu sốt cao, xuất hiện một số vết phỏng nước ở mặt. Sau hai ngày, nốt phỏng nhân lên nhiều, lan ra chi chít ở mặt, thân mình, đầu và tay chân, không đếm nổi số lượng. Bé được đưa vào khám ở bệnh viện, bác sĩ chỉ định nhập viện nội trú theo dõi, phòng biến chứng.
Bệnh nhân nhỏ tuổi điều trị thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Vietnamnet |
Mẹ bé N. cho biết, từ sau Tết, lớp mầm non của bé rải rác vài ca mắc. Đến cuối tháng 2, có tới 20 bé lây bệnh, chiếm 50% sĩ số của lớp. Chị chia sẻ, trước đây không để ý việc tiêm phòng thủy đậu cho con. Đến khi thấy lớp có nhiều bé mắc, gia đình định đưa trẻ đi tiêm thì đã mắc phải.
Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ ngày 4/3, trong tuần từ 13 tới 26/2, huyện ghi nhận 1 ổ dịch thủy đậu ở trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca và ổ dịch tại trường Mầm non Đồng Lạc với 22 ca. Cộng dồn từ đầu năm, toàn huyện có 129 ca mắc. UBND huyện chỉ đạo tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là thủy đậu, xử lý triệt để các ổ dịch không lây lan ra diện rộng.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), cho biết nếu nhiều tháng trước thỉnh thoảng khoa ghi nhận bệnh nhân thủy đậu thì riêng 1 tuần nay có tới 10 trường hợp điều trị nội trú, số khám ngoại trú cao hơn nhiều. Chủ yếu bệnh nhân là trẻ em, thậm chí có trẻ chỉ vài tháng tuổi.
Tại Bệnh viện 108, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, cũng cho biết gần đây tiếp nhận nhiều ca thủy đậu. Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12-24 giờ.
Sai lầm trong điều trị thủy đậu
Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đây cũng tiếp nhận nhiều ca thủy đậu. Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12-24 giờ.
Theo các bác sĩ truyền nhiễm, hiện nay rất nhiều gia đình quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Tuy nhiên, thầy thuốc khuyến cáo bệnh nhân cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín.
Nếu không vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng, đây cũng là sai lầm thường gặp trong điều trị thủy đậu.
Sau 10-21 ngày tiếp xúc với virus varicella-zoster, người bệnh có triệu chứng nổi mụn nước trên da niêm mạc, ngứa do nhiễm trùng, phát ban, ban mọc thành nhiều đợt cách nhau 3-4 ngày. Bệnh thủy đậu thường kéo dài khoảng 5-10 ngày. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các dấu hiệu bệnh thủy đậu như: Sốt, ăn mất ngon, đau đầu, mệt mỏi và cảm giác khó chịu trong người.
Cẩn trọng với biến chứng của thủy đậu
Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Trọng Tuấn, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, một số biến chứng bệnh thủy đậu có thể gây nguy hiểm có thể kể đến như: Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu là biến chứng thường gặp nhất. Chính các vết mụn nước vỡ ra, lại ngứa khó chịu nên nhiều người dùng tay bẩn “xâm phạm” vết thương hoặc vệ sinh không đúng cách dẫn đến chảy máu bên trong, nhiễm trùng.
Viêm não là biến chứng có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn nhưng người lớn gặp nhiều hơn, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biến chứng thường xuất hiện sau 1 tuần người bệnh nổi mụn nước. Khi gặp biến chứng này, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
Viêm phổi thủy đậu với biểu hiện ho nhiều, ho ra máu, khó thở, tức ngực là biến chứng thủy đậu thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3-5 sau khi bệnh khởi phát.
Viêm thận, viêm cầu thận cấp cũng là biến chứng do thủy đậu gây ra, ban mọc muộn vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh. Dấu hiệu dễ quan sát nhất là người bệnh đi tiểu ra máu, suy thận.
Viêm khớp tràn dịch cũng gặp ở các thể nặng, các khớp có viêm và tràn dịch, ít khi thành mủ. Nếu một người đã bị thủy đậu vẫn có nguy cơ bị một biến chứng khác, đó là bệnh zona.
Ngoài ra, người bệnh thủy đậu có thể gặp một số biến chứng như viêm tai giữa và tai ngoài, viêm niêm mạc miệng, viêm cơ tim, viêm hạch lympho, viêm dây thần kinh, hội chứng Croup giả, viêm thanh quản do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy.
Bệnh nhân có thể gặp biến chứng mất nước, hội chứng sốc nhiễm độc, hội chứng Reye ở trẻ em và thanh thiếu niên dùng thuốc aspirin trong điều trị bệnh thủy đậu.
Những đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc thủy đậu gồm: Trẻ sơ sinh có mẹ chưa từng bị bệnh thủy đậu hoặc chưa chủng ngừa; thai phụ chưa mắc bệnh, người suy yếu miễn dịch như HIV, hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch, hen suyễn,…
Phòng bệnh thủy đậu chủ động bằng vaccine
Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vaccine là cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất.
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, liều 1 và liều 2 vaccine nên được tiêm cách nhau 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại mặc dù đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC nhấn mạnh, thủy đậu không loại trừ một ai, không phân biệt độ tuổi, có thể tấn công bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này. Khoảng 88-98% người đã tiêm vaccine phòng thủy đậu sẽ tránh được bệnh.
Theo các chuyên gia, hiện tại, không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Do đó, việc chăm sóc người bệnh đóng một vai trò quan trọng.
Khuyến cáo được đưa ra với người bệnh mắc thủy đậu là cần bảo đảm ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
Người bệnh thủy đậu nên tránh các thức ăn nhiều dầu, mỡ, thức ăn nóng như: gừng, hành, tỏi, hành tây, tỏi tây, ớt, hạt tiêu, thì là, cà ri, mù tạt, rau mùi, trái vải, xoài chín. Hoặc các loại thịt quá nhiều đạm như thịt dê, thịt gà, ngỗng, lươn, tôm, cua, sò, ốc,…
"Bạn đi gặp bác sĩ để khám bệnh nếu gặp những dấu hiệu như có tiếp xúc người bệnh thủy đậu, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, nổi mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da. Đặc biệt là phát ban lan sang một hoặc cả hai mắt, phát ban rất đỏ, ấm hoặc mềm thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn. Hoặc phát ban kèm theo chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, khó thở, run, các cơ mất phối hợp, ho, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao trên 38,9 độ C", Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Trọng Tuấn nhấn mạnh.
(tổng hợp)