- Nước dừa có tác dụng giải nhiệt và lành tính nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể uống thoải mái.
Nước dừa là thức uống quen thuộc giải nhiệt cho nhiều người vào mỗi mùa hè. Tuy nhiên, theo đại tá, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng), không phải trường hợp nào cũng có thể uống nước dừa.
Nước dừa có khả năng giải nhiệt và cung cấp năng lượng cho cơ thể trong thời tiết nóng bức. Thức uống này chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, natri, canxi, magie và vitamin C, giúp tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng.
Tuy nhiên, bác sĩ Hà khuyến cáo mọi người cần lưu ý tình trạng sức khỏe của mình để cân nhắc thời gian và liều lượng uống nước dừa.
Nước dừa có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nhưng một số trường hợp nên hạn chế uống. Ảnh: iStock. |
Uống nước dừa quá nhiều có thể gây rối loạn đường tiêu hóa và đường huyết. Vì vậy, một người không nên uống quá 2 ly nước dừa trong ngày. Ngoài ra, mọi người cũng nên uống nước dừa trong vỏ dừa để đảm bảo vệ sinh và tránh bị nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, nếu uống nước dừa cùng với các món khác, cần đảm bảo chúng không gây tương tác với nhau và không ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống.
Theo đó, những người có tiền sử dị ứng với dừa hoặc chất béo cần hạn chế hoặc tránh uống nước dừa.
Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nước dừa vẫn không dành cho một số trường hợp có vấn đề sức khỏe bao gồm:
- Người bị tiểu đường: Nước dừa có hàm lượng đường tự nhiên cao. Do vậy, người bị tiểu đường nên hạn chế uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
- Người bị các bệnh lý thận: Nước dừa có hàm lượng kali cao, do đó, những bệnh nhân có bệnh lý thận, tăng kali máu nên hạn chế uống nước dừa hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Người bị dị ứng với dừa hoặc chất béo: Nhóm này nên tránh uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
- Người bị rối loạn tiêu hóa: Nước dừa có khả năng kích thích tiêu hóa, vì vậy, nếu bị rối loạn tiêu hóa, bạn nên hạn chế uống nước dừa.
- Người bị tăng triglycerides (một dạng mỡ máu): Nước dừa có hàm lượng chất béo và triglycerides cao, do đó, nếu bị tăng triglycerides máu, bạn nên hạn chế uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi: Nước dừa không thể thay thế được sữa mẹ hoặc thức ăn đặc biệt cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, bác sĩ Hà khuyến cáo mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nước dừa nếu gặp vấn đề sức khỏe hoặc đang sử dụng thuốc.