- Tại TP.HCM, ngành y tế đã triển khai các hoạt động phòng, chống nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời khi có trường hợp mắc bệnh do virus Marburg.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước Châu Phi, Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu các địa phương trong cả nước có biện pháp tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như bệnh Marburg tại khu vực Châu Phi, cúm A(H5N1) tại Campuchia... Các tác nhân gây bệnh, các chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Ngay từ tháng 2/2023, sau khi nhận được cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cũng đã lên phương án tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận, điều trị như: thường xuyên giám sát các chuyến bay đến từ các quốc gia có ghi nhận ca mắc bệnh do virus Marburg, phát thông báo sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm cho các bệnh viện, tập huấn nhân viên y tế và truyền tải thông điệp phòng bệnh cho người dân….
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị tuyến cuối có khả năng lớn tiếp nhận các ca bệnh do virus Marburg đã kích hoạt quy trình giám sát, phát hiện sớm và phòng ngừa lây lan bệnh do virus Marburg trong toàn thể bệnh viện.
Cụ thể, các khoa như Cấp cứu, Khám bệnh, Khoa Bệnh nhiệt đới tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng. Trong đó, yếu tố dịch tễ là đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ hoặc ca xác định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.
Nhân viên y tế khi phát hiện ca nghi ngờ ngay lập tức tiến hành cách ly người bệnh; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn, nhanh hội chẩn chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn để điều trị cho bệnh nhân.
TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, virus Marburg là loại không mới nhưng rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Khi mới nhiễm, người bệnh có thể bị sốt, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, từ ngày thứ 5 có thể nôn ói, xuất huyết, suy đa tạng. Tỷ lệ tử vong ở người bệnh có thể lên đến 80%. Tuy nhiên điều may mắn khả năng lây truyền thấp, lây qua giọt bắn và tiếp xúc, không lây qua không khí nên mức độ lây lan chậm hơn SARS-CoV-2.
Cũng theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, hiện tại vẫn chưa có vaccine để dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu virus Marburg. Đa phần người bệnh chỉ được hỗ trợ nâng đỡ, bù điện giải hoặc truyền máu khi bệnh nhân có tình trạng xuất huyết. Thời gian ủ bệnh của bệnh virus Marburg trong vòng 3 tuần.
"Để phòng tránh virus này, người dân cần phát hiện sớm, tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả, tránh ăn sống thịt động vật hoang dã. Khi tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về, nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán" - TS. Thắng khuyến cáo.