- Vừa qua, tại Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sáng 10/3, mạng xã hội xôn xao về hình ảnh Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em, học sinh về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), diễn ra hôm qua 9/3.
Nhiều ý kiến bình luận cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các em học sinh bậc THCS như thế này rất hình thức, không đúng đối tượng. Được biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 kéo dài cho đến ngày 15/3/2023.
Đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của MTTQ, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Tại hội thảo diễn ra tại Trường THCS Lương Yên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em.
Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 104 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, các khoản sẽ bao gồm: "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật".
Ông Hà Đình Bốn khẳng định, những ý kiến của các em học sinh sẽ được tổng hợp và gửi tới ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội thảo này, các học sinh cũng được trao đổi, bày tỏ về các quan điểm, ý kiến của mình liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời được bổ sung kiến thức và hiểu biết thêm các quy định về đất đai, nhất là các quy định liên quan tới trẻ em.
Hình ảnh lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây xôn xao mạng xã hội sáng 10/3 (Ảnh: Kinh tế đô thị). |
Bà Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên cũng cho rằng, hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường.
Ở một góc nhìn khác, dư luận cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các em học sinh bậc THCS như thế này còn mang tính hình thức, không đúng đối tượng.
Bởi lẽ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề khó và rộng, ngay cả người lớn cũng nhiều người không có kiến thức về lĩnh vực này.
Một số ý kiến khác cho rằng có thể lấy ý kiến trẻ em nhưng chỉ nên lấy ý kiến của học sinh cấp 3 hay sinh viên trường đại học, học sinh THCS còn quá nhỏ và tầm hiểu biết cũng chưa đủ nên việc lấy ý kiến học sinh THCS là chưa thỏa đáng.
ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường (một trong những đơn vị được giao xây dựng, tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) cho biết, trong các văn bản, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ nêu "các tầng lớp nhân dân", chứ không nêu cụ thể, chi tiết các đối tượng như "trẻ em" hay "học sinh"…
"Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật phải đảm bảo chất lượng. Chúng ta nên trân trọng các ý kiến góp ý, trong đó có cả các ý kiến của các cháu học sinh, trẻ em. Biết đâu, ý kiến góp ý của các cháu cũng rất chất lượng, xác đáng, đáng suy ngẫm thì sao?", ông Đào Trung Chính nói.
Theo ông Chính, điều đáng lo ngại nhất là việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật mang tính hình thức, không đảm bảo chất lượng. "Việc góp ý của các cháu, các em học sinh cũng cần phải được trân trọng, ghi nhận", ông nói.
(tổng hợp)