- UBND Thành phố đồng ý về chủ trương giải quyết, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 606/UBND-TNMT về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc về giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh.
Theo đó, UBND Thành phố đồng ý về chủ trương giải quyết, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
UBND huyện Mê Linh có trách nhiệm tham mưu Huyện ủy Mê Linh ban hành Đề án tổng thể để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện; Ban hành kế hoạch chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện theo đúng quy định và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 50/BTNMT-QHPTTNĐ ngày 6/1/2023. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, UBND huyện Mê Linh chủ động xin ý kiến hướng dẫn của các Sở, ngành Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố giao các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tư pháp, Tài chính, Cục Thuế Thành phố, Thanh tra Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND huyện Mê Linh thực hiện đảm bảo đúng theo quy định.
Trước đó, ngày 6/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản về việc giải quyết vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh. Để giải quyết dứt điểm tồn tại về giao đất dịch vụ, bảo đảm công bằng, thống nhất về quyền lợi cho người có đất thu hồi, thực hiện đúng chính sách giao đất dịch vụ của tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn huyện Mê Linh của UBND TP Hà Nội.
Bộ cũng đề nghị, TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể, bảo đảm tính chính xác của các thông tin, số liệu, thực hiện việc hỗ trợ giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Hà Nội bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, công bằng với các hộ có đất nông nghiệp thu hồi tương tự của tỉnh Vĩnh Phúc, tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và không để xảy ra thất thoát ngân sách Nhà nước.
"Nguồn cơn" của vấn đề này đã kéo dài từ nhiều năm qua. Theo đó, trong giai đoạn từ ngày 1/1/1997 đến trước ngày 1/8/2008, tổng số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp là hơn 6.400 hộ, tương ứng hơn 28 ha đất dịch vụ. Tuy nhiên, mới chỉ có 715 hộ được giao tổng diện tích 3,8 ha; còn lại hơn 5.700 hộ gia đình, cá nhân tương ứng hơn 24 ha chưa được giao.