- Các dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng thường dễ bị bỏ qua vì khá giống biểu hiện viêm nhiễm vùng tai mũi họng. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư vòm họng thường có 5 triệu chứng sau.
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng - phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới, với tỷ lệ khoảng 2-3 nam/1 nữ.
Về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, ngoài virus Epstein-Barr (EBV), bất thường nhiễm sắc thể, yếu tố môi trường như thức ăn được coi là tác nhân sinh ung thư đáng kể với ung thư vòm họng. Cụ thể, ăn nhiều thức ăn giàu các chất nitrosamine (thịt muối, thịt hun khói….) dễ bay hơi là yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: BVCC |
Các dấu hiệu sớm thường nghèo nàn, dễ bị bỏ qua vì khá giống với các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng. Các triệu chứng ung thư vòm họng lúc đầu thường xuất hiện ở một bên hay một vị trí, sau đó tăng dần. Các triệu chứng có thể gặp:
- Hạch cổ: vị trí hay gặp là hạch cổ vị trí góc hàm hoặc xuất hiện nhiều hạch ở 1 hay 2 bên cổ.
- Các triệu chứng tai: thường biểu hiện 1 bên như nghe kém, ù tai hoặc hiếm gặp hơn là đau tai hay chảy dịch ở tai.
- Các triệu chứng mũi: ngạt tắc mũi 1 hoặc 2 bên hoặc chảy máu mũi dai dẳng điều trị nội khoa không cải thiện
- Các triệu chứng thần kinh: nhìn đôi và lác trong, đau nửa mặt hoặc đau họng, đau đầu hoặc đau nửa đầu khi u xâm lấn nội sọ.
- Các triệu chứng mắt: xâm lấn ổ mắt hiếm gặp, chủ yếu gặp lồi mắt hoặc liệt vận nhãn.
Cách phát hiện ung thư vòm họng
Phát hiện ung thư vòm họng, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng và mô bệnh học.
Trong đó, việc thăm khám lâm sàng được bác sĩ thực hiện bằng cách soi tai mũi họng và khám hạch cổ, cho phép quan sát rõ tổn thương, đánh giá vị trí tổn thương, hình dạng, kích thước, mức độ lan rộng của bệnh và kết hợp sinh thiết giúp chẩn đoán mô bệnh học. Thăm khám hạch cổ và hạch ngoại vi nhằm phát hiện ra các tổn thương hạch có giá trị trong đánh giá giai đoạn bệnh ung thư vòm.
Dưới 10% trường hợp có di căn xa tại thời điểm chẩn đoán ban đầu, thường gặp nhất là di căn xương gây đau hoặc gãy xương bệnh lý, hiếm hơn có thể gặp di căn gan hoặc di căn phổi.
Các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho phép đánh giá thể tích u, mức độ xâm lấn tại chỗ, tại vùng. Bên cạnh đó, các xét nghiệm đánh giá di căn xa bằng chụp X-quang ngực, siêu âm bụng và xạ hình xương là các xét nghiệm cần thiết; PET/CT-scan là phương pháp hiện đại có giá trị cao trong tìm kiếm các di căn xa.
Trong khi đó, các xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu giúp đánh giá tình trạng toàn thân và chức năng gan, thận, định liều tải lượng virus huyết thanh, kháng thể kháng EBV...